Tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ thu phí không dừng

13:03' - 13/05/2020
BNEWS Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí đường bộ sẽ phải hoàn thành trong năm 2020.
Tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng", do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức sáng 13/5, tại Hà Nội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ, hiệp hội vận tải đã trao đổi, làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến lộ trình thực hiện việc thu phí không dừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; các khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đẩy nhanh hoạt động này trong thời gian tới.

Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí đường bộ sẽ phải hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những khó khăn trong việc triển khai. Trong những lý do khiến việc thực hiện chậm tiến độ như: thiếu nguồn vốn triển khai trạm thu phí trên các tuyến cao tốc, một số quyết định, quy định liên quan cần sửa đổi..., có một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, đặc biệt là của chủ sở hữu phương tiện. Đó là việc lựa chọn công nghệ kết nối, thanh toán dịch vụ trả phí không dừng.

Chia sẻ về tiến độ thực hiện các trạm thu phí không dừng, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đến thời điểm 31/12/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành giai đoạn 1, cụ thể là 40 trạm. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai. Lý do vì dự án của VEC vay vốn ODA, hiện Hiệp định vay vốn đã kết thúc. Lý do thứ hai là do VEC đã chuyển về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc triển khai cũng khó khăn hơn.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt liên danh nhà đầu tư giai đoạn 2 của dự án thu phí không dừng sẽ thành lập được doanh nghiệp dự án để sắp tới ký hợp đồng triển khai các trạm này. Hiện việc khảo sát, thiết kế 33 trạm này đã được hoàn thành, khi thành lập được doanh nghiệp dự án sẽ tổ chức thi công ngay.

Phân tích về những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc triển khai tiến độ thu phí tự động không dừng chưa đạt như mong muốn, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, trước hết do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam. Mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc thực hiện miễn giảm phí đường bộ dẫn đến doanh thu các dự án BOT bị sụt giảm từ 30 - 50%. Từ đó, phương án tài chính thu phí không dừng không đạt được như ban đầu, khiến ngân hàng cho vay tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án. Mặt khác, người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt nên nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn rồi mới chỉ đạt từ 10 - 20% phương tiện sử dụng.

Về nguyên nhân chủ quan, hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh) trong đầu tư dự án thu phí không dừng là hình thức mới. Đây là hợp đồng 3 bên, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư thu phí tự động không dừng và nhà đầu tư BOT (xây dựng- kinh doanh – chuyển giao). Ngoài ra, còn liên quan nhiều đối tác như đơn vị phát hành thẻ… nên rất phức tạp. Một nguyên nhân nữa là trình tự thủ tục trong đầu tư rất phức tạp, để đảm bảo được đúng các quy định và hài hòa lợi ích nhiều bên mất rất nhiều thời gian.

 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng. Thực tế cho thấy, giải pháp thu phí không dừng rất tiến bộ, nhiều nước đã sử dụng hiệu quả vì rất tiết kiệm thời gian. Nhưng việc triển khai còn chậm do các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào vấn đề công nghệ nhiều hơn, chưa quan tâm đến vấn đề thị trường. 

Theo ông Quyền, các nhà đầu tư BOT nên bán dịch vụ và người kinh doanh vận tải là mua dịch vụ. Đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ nên là đơn vị giúp cho bên bán bán được dịch vụ tốt nhất, công khai minh bạch nhất. Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần gì, mong muốn gì. Việc này trong thời gian qua dường như chưa quan tâm đúng mức. Vì thế mới có chuyện đến nay đã có 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã gắn nhưng không sử dụng.

Đứng ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra rồi ép người dùng. Trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải rất khó khăn, đầu tư mua sắm phương tiện, lãi vay ngân hàng, cước nợ… Nếu chỉ dùng 1 phương thức như hiện nay là các đơn vị sử dụng đường phải chuyển tiền trước đồng nghĩa với các doanh nghiệp vận tải phải vay tiền. Với những doanh nghiệp nhiều xe, đây là số tiền lớn.

"Chúng tôi đề xuất nên nghiên cứu 2 phương thức, 1 trả trước như đang làm và 1 trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được.", ông Quyền bày tỏ.

Về phía đơn vị dự thầu, ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho hay, sau khi chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam mời gói thầu giai đoạn 2, doanh nghiệp tham gia dự thầu. Quyết định 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cho phép Viettel thành lập 1 doanh nghiệp dự án. Viettel xác định đây là nhiệm vụ Chính phủ giao và mong muốn cung cấp các giải pháp nhanh nhất để hệ thống này nhanh chóng đi vào hoạt động, cung cấp cho người dân những dịch vụ tiện ích nhất. Song song với hồ sơ đang làm với cơ quan quản lý nhà nước, hiện đơn vị đang nghiên cứu những công nghệ mới, áp dụng triển khai và sẵn sàng để năm 2020 hệ thống sẵn sàng vận hành, triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục