Tìm giải pháp ứng phó với nạn tin giả, tin không chính xác

18:14' - 23/12/2019
BNEWS "Ứng phó với vấn nạn tin giả, tin không chính xác" là nội dung tọa đàm do Hội Truyền thông số tổ chức chiều 23/12, tại Hà Nội.

Nhiều đại biểu tại tọa đàm nhận định với sự phát triển với tốc độ "chóng mặt" của internet trong kỷ nguyên kỹ thuật số khiến thông tin, trong đó có nhiều tin giả, tin xấu độc được chia sẻ, được lan truyền một cách nhanh chóng. Tại Việt Nam, người tham gia mạng xã hội ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức giả, chưa được xác thực, chưa được kiểm chứng.

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho rằng điều nguy hiểm là nhiều người chưa có nhận thức sâu về vấn đề này. Thực tế cho thấy chỉ khoảng 3 năm trở lại đây, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và số người mắc bẫy tin giả cũng tăng nhanh chóng.

Nhiều người cho rằng khó mắc bẫy tin giả nhưng trên thực tế thì không chỉ những người bình thường mà một số người giữ vị trí quan trọng, có học vấn, có kiến thức cũng bị mắc bẫy. Thậm chí có nhiều cơ quan báo chí đăng nhầm tin giả; nguy hại hơn nữa là ở một số nước, ngay cả các chính trị gia cũng mắc bẫy, điều này có thể làm ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia.

Theo ông Lê Quốc Minh, có rất nhiều thành phần liên quan đến việc ngăn chặn tin giả, đó là các chính trị gia, các tổ chức, cơ quan các trách nhiệm pháp lý, thậm chí người lãnh đạo các nền tảng như: Facebook, Google... Gần đây, trước sức ép của giới chính trị và công luận, Facebook đã phải tuyển dụng đội ngũ để kiểm duyệt, hay Google thay đổi thuật toán...

Ngoài ra, việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc cũng có trách nhiệm của báo chí chính thống, bởi báo chí ngoài việc đăng tải thông tin, phát hiện, cảnh báo tin giả, còn cần có hệ thống kiểm duyệt, kiểm chứng để đưa thông tin chính thống, tạo niềm tin cho công chúng. Các cơ quan báo chí cũng phải chủ động phát hiện một số tin giả vì hàng ngày có hàng trăm, hàng vạn thông tin, dù chỉ có thể kiểm duyệt một số ít thì việc chủ động phát hiện, không lan truyền, đưa tin trung thực, chính xác cũng đã góp phần ngăn chặn lượng thông tin xấu độc.

Hiện có nhiều tờ báo chưa kiểm định thông tin, vì sức ép của thời gian nên vội đưa thông tin lên, dẫn đến mắc bẫy tin giả. Vì vậy, nếu các cơ quan báo chí không cảnh giác, không kiểm chứng thông tin, vô hình trung sẽ không phát huy được vai trò đưa nội dung thông tin trung thực, đa chiều, giúp người đọc cũng như các nhà hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định xác đáng, hiệu quả.

Dẫn chứng một số biện pháp ứng phó với vấn nạn tin giả, tin xấu độc trên thế giới, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu rõ: có hai mô thức cơ bản trong phản ứng chính sách đối với tin giả, đó là phương thức phản ứng mềm và phản ứng cứng.

Theo đó, cách phản ứng mềm là dùng hệ pháp luật truyền thống, hệ thống khuyến khích và các giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Các cách thức này ít ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tạo điều kiện cho tranh luận xã hội; nắm bắt được phản ứng của xã hội đối với chính sách của nhà nước dễ dàng, chính xác hơn.

Tuy nhiên, cách thức này có sự khó khăn, tốn kém trong việc chống lại tin giả trong những bối cảnh cụ thể. Cách phản ứng cứng là ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả; coi trọng sự can dự của nhà nước trong việc chống tin giả. Cách thức này tạo tính răn đe đối với hành vi đưa tin giả cao hơn. Nếu bộ máy quyền lực công liêm chính, hiệu năng việc chống tin giả sẽ có hiệu quả cao. Tuy nhiên, sự lạm quyền cách thức cứng có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tranh luận xã hội có thể khó khăn hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng khuyến nghị cần xây dựng định nghĩa tương đối hẹp và sáng tỏ về khái niệm tin giả; đồng thời tăng cường xây dựng năng lực và liêm chính cho các cơ quan quyền lực công chịu trách nhiệm áp đặt việc tuân thủ Luật An ninh mạng. Điều này sẽ góp phần ứng phó với vấn nạn tin giả, tin không chính xác trong thời đại kỷ nguyên số.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục