Tìm lại hồn xưa dòng tranh dân gian Việt Nam

20:38' - 30/10/2016
BNEWS Dòng tranh dân gian Việt Nam đang chịu những tác động không nhỏ từ cuộc sống, khiến nguy cơ mai một rất cao.
Đông Hồ hiện chỉ còn 3 gia đình trong làng giữ nghề truyền thống làm tranh dân gian. Ảnh: TTXVN

Đã từ lâu, dòng tranh dân gian không còn chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống hội họa, bởi sự phát triển vượt lên của các dòng tranh hiện đại khác. Có chăng, nó còn sống trong tâm thức của những người yêu tranh truyền thống hoặc trong một vài gia đình tâm huyết ở các làng nghề làm tranh.

Mai một dòng tranh quý

Tranh dân gian vốn gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tinh thần của người dân, phục vụ việc thờ cúng hoặc trang trí ngày lễ Tết. Không ít thì nhiều, các gia đình đều có một vài bức tranh treo thường xuyên trong nhà và có thể thay những bức tranh mới khi năm hết Tết đến.

Ngôn ngữ của tranh dân gian là những ý niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp, rất gần gũi với đời sống người dân.

Nhắc đến những tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống và Kim Hoàng (Hà Nội), Nam Hoành (Nghệ An), tranh làng Sình (Huế), tranh Kính (Nam Bộ)… một thời, hầu như ai cũng biết tới. Nhưng đến nay, dòng tranh dân gian này đang chịu những tác động không nhỏ của cuộc sống, khiến nguy cơ mai một rất cao.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh không khỏi nuối tiếc khi nhớ đến thời thịnh vượng của làng nghề làm tranh.

Thủa đó, nhà nhà làm tranh, mỗi dịp Tết đến là cả làng nhộn nhịp, tất bật. Vậy mà, khi cuộc sống thay đổi đã khiến dòng tranh Đông Hồ đi xuống, sức tiêu thụ giảm, số nghệ nhân sống bằng tranh không còn nhiều. Khi không làm tranh, các gia đình lại chuyển sang làm hàng mã để mưu sinh.

Cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Sinh Phúc, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái chia sẻ về sự mai một tranh thờ của người Dao ở Yên Bái. Ông Nguyễn Sinh Phúc cho biết, nhiều bộ tranh thờ cổ có từ lâu đời nhưng bị người dân bán cho thương lái hoặc các nhà sưu tập tranh thờ, thay vào đó là các bộ tranh do các thầy tào, thầy cúng vẽ mới.

Việc vẽ lại các bức tranh thờ với cách thức thể hiện đơn giản và thiên về tính tiện lợi, sử dụng chất liệu mới đã bị “tam sao thất bản” so với các tranh cổ, làm cho giá trị tranh thờ không còn đẹp như trước. Hơn nữa, nhiều thầy tào, thầy cúng tuổi đã cao nhưng chưa có con cháu có đủ tố chất để truyền nghề nên gặp nhiều nguy cơ thất truyền.

Bên cạnh tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước, các gia đình và nghệ nhân tranh dân gian không còn nhiều khiến dòng tranh này có nguy cơ mai một cao, thì một trong những nguyên nhân khác là nguồn cung cấp nguyên vật liệu làm tranh bị ngưng trệ.

Sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy như trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh. Việc sử dụng màu vẽ công nghiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống.

Một mặt, một số hộ sản xuất còn đục bỏ các phần chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều bức ván in khiến cho ý nghĩa của các bức tranh bị ảnh hưởng, làm suy giảm tính nguyên gốc, tính hấp dẫn của những họa phẩm này.

Làm sống dậy dòng tranh dân gian

Việc gìn giữ, làm sống dậy dòng tranh dân gian Việt Nam trong bối cảnh hiện nay được ví như bơi trong muôn trùng sóng gió. Gìn giữ đã khó nhưng làm sống dậy lại khó gấp cả trăm lần.

Nếu dòng tranh Hàng Trống chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ nghề và đến nay con trai ông là Lê Hoàn đang tiếp nối, tranh Đông Hồ còn hai dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Giáp và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam gìn giữ, tranh làng Sình có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lưu truyền… thì tranh Kim Hoàng không còn nghệ nhân nào theo nghề.

Nhưng dù khó khăn nhưng các nghệ nhân còn lại của dòng tranh dân gian Việt Nam đều quyết tâm giữ nghề và luôn đau đáu tìm những người trẻ có tâm huyết để truyền nghề. Bên cạnh những nghệ nhân tranh, những người yêu dòng tranh truyền thống cũng luôn nỗ lực trong việc gìn giữ, hồi sinh tranh dân gian.

Trong những năm qua, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc bảo tàng gốm sứ Hà Nội dày công với dự án khôi phục tranh Kim Hoàng, giúp dòng tranh này hồi sinh. Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng sẽ khôi phục lại 50 mẫu tranh cũ và thiết kế mẫu tranh dân gian hiện đại.

Trong số 50 mẫu cũ của tranh Kim Hoàng còn tồn tại phần lớn là tranh sinh hoạt của con người, các tích truyện. Những người làm dự án sẽ tô thêm màu sắc cho tranh trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cụ cao niên trong làng, tìm chất liệu giấy in tranh tương tự như giấy cũ và học cách in tranh cho đúng nguyên gốc.

Dự án này cơ bản nhận được sự đồng thuận của những người trong làng tranh Kim Hoàng xưa.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi nghiên cứu, sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến tranh dân gian Việt Nam. Tại đây có bộ sưu tập lớn gồm 2.669 hiện vật, trong đó tranh Đông Hồ 1.288 hiện vật, tranh Hàng Trống 271 hiện vật, tranh Kim Hoàng 2 hiện vật, tranh làng Sình 30 hiện vật, tranh dân gian nói chung 306 hiện vật, tranh cổ 369 hiện vật…

Trong những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật quan tâm sưu tập, bổ sung vào hệ thống tranh dân gian của bảo tàng qua việc mua bổ sung các loại tranh dân gian, tranh thờ miền núi. Bảo tàng còn in, làm bản phiên các sưu tập tranh Hàng Trống, mua bổ sung các loại tranh và ván in tranh làng Sình.

Ngoài ra, đơn vị này còn liên tục nghiên cứu, sưu tầm những bức tranh còn thiếu, những dòng tranh thất truyền không còn sản xuất nhưng còn lưu lại ít ỏi ở các vùng miền nhằm bổ sung cho sưu tập.

Dù còn khó khăn nhưng nỗ lực gìn giữ, vực dậy dòng tranh dân gian Việt Nam của các nghệ nhân, những người yêu tranh, những đơn vị liên quan đến dòng tranh này đều rất đáng trân trọng.

Cho dù sức sống của dòng tranh dân gian không trở lại như trước nhưng ít ra cũng không thể mai một nhanh chóng và sẽ có nhiều hơn thế hệ trẻ biết tới dòng tranh quý này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục