Tín dụng chính sách giúp Thừa Thiên - Huế giảm tỷ lệ hộ nghèo

20:05' - 21/08/2019
BNEWS Các nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 22.000 hộ dân ở Thừa Thiên - Huế thoát khỏi ngưỡng cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay xuống còn 5,03% và hộ cận nghèo còn 4,93%.
Người dân vay vốn tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Trương Công Lân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến nay, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt gần 5.380 tỷ đồng, với trên 216.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Riêng nguồn vốn tín dụng chính sách từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho gần 9.500 lao động và 5.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập, không phải bỏ học giữa chừng...

Đặc biệt, có 2.435 hộ nghèo đã được vay vốn để xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Quyết định 40/2014/QĐ-TTg và 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống.
Các nguồn vốn vay nói trên đã giúp cho trên 22.000 hộ dân ở Thừa Thiên - Huế thoát khỏi ngưỡng cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh hiện nay xuống còn 5,03% và hộ cận nghèo còn 4,93%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp tỉnh thực hiện trên 105.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cải thiện đời sống người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Kết quả trên có được là nhờ sự phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn nhận ủy thác được thực hiện hiệu quả.
Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhờ hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Hội Nông dân tỉnh việc thực hiện bắt đầu từ tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, các hộ hiểu rõ chủ trương, chính sách, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tâm lý trông chờ ỷ lại, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Hội Nông dân tỉnh quản lý 737 tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư với gần 27.000 hội viên, tổng dư nợ gần 800 tỷ đồng. Quá trình giải ngân vốn vay, Hội Nông dân các cấp còn kết hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.
Đối với địa phương miền núi, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ngoài nguồn vốn ngân hàng, huyện A Lưới chuyển thêm cho Ngân hàng Chính sách Xã hội từ ngân sách địa phương nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ chính sách. Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn với 3.100 lượt hộ vay; trong đó trên 2.600 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 82%...
Gia đình chị Nguyễn Thị Phôn, thôn 4, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới là một trong những gia đình có nhiều nỗ lực vươn lên làm kinh tế thoát nghèo. Được vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 20 triệu đồng, gia đình chị Phôn đã mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn và bò.

Đến nay, mỗi năm trừ chi phí chăn nuôi, gia đình chị Phôn thu lãi từ 40 đến 60 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi, chị Phôn còn đầu tư mở rộng diện tích trồng cây keo để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Phôn được thôn bản tín nhiệm và hội Liên hiệp Phụ nữ xã chọn là mô hình làm ăn tiêu biểu của xã Hồng Quảng.
Bí thư huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương cho biết, Chỉ thị 40-CT/TW tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và tư tưởng cả hệ thống chính trị từ thôn, bản, xã đến cấp huyện về tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, kịp thời khắc phục, gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo kịp thời nguồn vốn tới hộ nghèo, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đánh giá: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp nhận thức rõ, đầy đủ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội tại các địa phương.

Các cấp, ban ngành bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay, bổ sung, rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn, thường xuyên nâng chất lượng tín dụng. Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện đã thật sự nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Thời gian tới, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chỉ đạo để nâng trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành và đoàn thể các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh và huyện trong kiểm tra, quản lý, sử dụng nguồn vốn chính sách xã hội hiệu quả.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo để phát huy vai trò, trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến với các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vai trò phản biện xã hội và chức năng giám sát được phát huy trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nói chung, hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng.../.
>>> Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhờ nguồn vốn chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục