Tín dụng chính sách xã hội góp phần khắc phục hậu quả dịch COVID-19

13:06' - 14/09/2021
BNEWS Việc chủ động triển khai tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần khắc phục hậu quả dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở Cà Mau.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã quan tâm chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu các cấp, ngành quán triệt và triển khai nghiêm túc Kết luận số 06-KL/TW; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt là chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 40-CT/TW; Công văn số 1429-CV/TU, ngày 5/1/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 14/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Hằng năm, Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo đưa nội dung giám sát thực thi pháp luật về tín dụng chính sách xã hội lồng ghép vào các chương trình giám sát có liên quan của HĐND tỉnh nhằm kịp thời đánh giá và có giải pháp phù hợp để tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp trong các quyết định đầu tư công, các chương trình, dự án khác trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Tỉnh ủy Cà Mau chú trọng chỉ đạo xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; cân đối, ưu tiên bố trí một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội; tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị các huyện ủy, thành ủy tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục dành một phần ngân sách hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Cùng đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục triển khai mở rộng cuộc vận động chung tay vì người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường vận động hội viên, quần chúng nhân dân có thói quen tiết kiệm, tạo lập vốn tự có; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở và nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bình xét trước khi cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ; tập trung củng cố nâng cao chất lượng uỷ thác, thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tốt với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác họp giao ban, tổ chức phiên giao dịch tại xã; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau tăng cường đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới; chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động, sản xuất của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch ở Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình trên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời thực hiện chính sách cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, Ngân hàng thực hiện 2 chính sách cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.

Cụ thể, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.

Mức cho vay tối đa (trong cả 2 trường hợp nêu trên) bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay tối đa dưới 12 tháng với tổng nguồn vốn cho gói vay hỗ trợ này là 7.500 tỷ đồng.

Việc chủ động triển khai tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần khắc phục hậu quả dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở Cà Mau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục