BNEWS
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.
Ngày 1 tháng 12 năm 2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong ảnh: Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều "giá".
Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên "cậu" một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này Thanh Đồng đang ở một "giá" mới và phải thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với "giá" này.
Điệu múa của Thanh Đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của "giá". "Giá" quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ; giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa... Ảnh: Minh Đức/TTXVN