Tinh gọn bộ máy: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Lai Châu

11:18' - 13/12/2024
BNEWS Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đến nay sau 7 năm, Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" là chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng. Qua đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Quán triệt sâu sắc chủ trương này, ngay khi Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành, tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân để triển khai đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đến nay sau 7 năm, Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ về những kết quả nổi bật, cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết này.

Phóng viên: Xin Bí thư Tỉnh ủy cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Với đặc thù của tỉnh, trong quá trình thực hiện Nghị quyết có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

Bà Giàng Páo Mỷ: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả nổi bật đó là:

Tỉnh đã sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Trường Chính trị tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan với Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh. Địa phương sắp xếp giảm đầu mối trực thuộc các sở, ngành; sáp nhập các tổ chức hoạt động không hiệu quả, các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp lại một số đầu mối trực thuộc sở, ngành đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Sau rà soát, sắp xếp toàn tỉnh đã giảm 298 tổ chức, 272 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức, đơn vị được thực hiện bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy mới đã sớm ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Song song với đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được kiện toàn, sắp xếp hợp lý, phù hợp theo vị trí việc làm. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh giảm 3.100 biên chế (giảm 15,9% so với năm 2015).

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố không đảm bảo tiêu chí theo quy định; thực hiện sáp nhập giảm 2 xã, 213 thôn, bản, tổ dân phố; giữ vững kết quả 100% thôn, bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ; bố trí Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, tổ dân phố; tích cực khắc phục trưởng thôn, bản, tổ dân phố không là đảng viên. Đến nay toàn tỉnh có 77,3% trưởng bản, tổ dân phố là đảng viên; 30,02% Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, tổ dân phố.

Với việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.

Những kết quả trên góp phần xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn. Là địa phương miền núi cao, tỉnh có địa hình chia cắt phức tạp, đường biên giới dài, diện tích tự nhiên của một số xã, bản rất rộng; dân số không tập trung, nhiều dân tộc, phong tục, tập quán khác nhau; năng lực cán bộ ở một số nơi còn hạn chế.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh rất ít, đa số thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Biên chế giao cho các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 90% tổng biên chế giao cho các đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh. Để đảm bảo giảm tối thiểu 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 theo quy định của Trung ương, hằng năm, tỉnh phải giảm biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo; do vậy, chưa bố trí đủ định mức biên chế theo quy định trong lĩnh vực này.

Khó khăn nữa đó là thiếu nguồn cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Tỉnh có 20 dân tộc thiểu số chiếm 87% (trong đó 4 dân tộc rất ít người có số dân dưới 10.000 người gồm: Cống, Mảng, Si La và Lự). Tuy nhiên, một số dân tộc còn thiếu cán bộ, công chức nên kết quả thi tuyển hằng năm tỷ lệ trúng tuyển thấp, dẫn đến thiếu nguồn cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý để tương xứng với thành phần dân tộc thiểu số của tỉnh. Do đó, tỉnh khó khăn trong thực hiện hài hòa cơ cấu đội ngũ cán bộ.

Phóng viên: Với một số khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, xin Bí thư cho biết các giải pháp chủ yếu được tỉnh triển khai trong thời gian tới để việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp thiết?

Bà Giàng Páo Mỷ: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Lai Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo theo quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế. Địa phương tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức, viên chức và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện nghiêm quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; chủ động, kịp thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp sau khi sắp xếp, kiện toàn. Địa phương rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số; quản lý chặt chẽ việc sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị; việc bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.

Lai Châu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra, thanh tra của chính quyền các cấp; giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Phóng viên: Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc xây dựng hệ thống chính trị "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư, tỉnh Lai Châu sẽ triển khai những công tác trọng tâm nào?

Bà Giàng Páo Mỷ: Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, xây dựng tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong 7 định hướng chiến lược Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh và khẳng định đây là nhiệm vụ đang đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong bài biết về xây dựng hệ thống chính trị "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", định hướng chiến lược này đã được thể hiện rõ nét, tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng ta về nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nội dung bài viết là sự đúc kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, khái quát những kết quả quan trọng bước đầu trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong triển khai làm cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.

Từ thực tế đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh "cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị"; đồng thời khẳng định đây là “công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp". Đó là định hướng chiến lược, sự chỉ đạo quyết liệt và cũng là lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng đối với toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trước yêu cầu cấp thiết về một cuộc cách mạng lớn của dân tộc.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tỉnh Lai Châu sẽ bám sát ba nhiệm vụ trọng tâm được chỉ ra trong bài viết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW nghiêm túc, toàn diện, đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học, sát đúng với tình hình thực tiễn về kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2026 - 2030. Địa phương đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

Lai Châu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong triển khai Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Qua đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục