Tổng cục Thủy sản phản hồi về vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung

20:17' - 22/04/2016
BNEWS Đến nay các đơn vị chức năng chưa có kết quả để có thể khẳng định nguyên nhân cá chết vừa qua do tác nhân, nguyên nhân gì, có rất nhiều dự đoán về yếu tố gây ra tình trạng cá chết.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Những ngày qua, việc cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến thừa Thiên Huế đã khiến người dân e ngại, lo lắng trước vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để tìm hiểu về tình trạng trên cũng như phương án xử lý, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

BNEWS: Xin ông cho biết, tình trạng cá biển chết hàng loạt tại một số tỉnh ven biển miền Trung đã có dấu hiệu giảm chưa thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Từ ngày 6/4 xuất hiện tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi biết được tình hình trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường cử các đoàn công tác đến các tỉnh có cá chết để tiến hành thu mẫu cá, mẫu nước… để các cơ quan chuyên môn phân tích tìm ra tác nhân và nguyên nhân.

Đến thời điểm hiện nay, tình trạng cá chết đã giảm dần. Từ chiều ngày 21/4 đến sáng nay (22/4), trên các vùng biển của Quảng Trị, Thừa Thiên Huế không thấy hiện tượng cá chết xảy ra.

BNEWS: Đến thời điểm này, đã xác định được nhân dẫn đến tình trạng cá biển chết hàng loạt chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Tài Nguyên Môi trường, đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm ra nguyên nhân, tác nhân gây ra tình trạng cá chết xảy ra hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung trong những ngày gần đây.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp các số liệu quan trắc môi trường từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, đến nay các đơn vị chức năng chưa có kết quả để có thể khẳng định nguyên nhân cá chết vừa qua do tác nhân, nguyên nhân gì. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau dự đoán về những yếu tố gây ra tình trạng cá chết vừa qua như: môi trường, thủy văn, nước thải các nhà máy công nghiệp khu vực đó…

Tuy nhiên, dù ý kiến gì cũng phải có kết quả xác định phân tích các chỉ số từ các cơ quan chuyên môn.

Người dân đang rất lo lắng khi những ngày gần đây cá chết bất thường không rõ nguyên nhân trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị. Ảnh: Trần Tĩnh -TTXVN

BNEWS: Đã có hiện tượng người dân sử dụng cá chết để làm thực phẩm, vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Song song với các giải pháp bên trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh ven biển trên chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn nhân dân không được sử dụng cá chết làm thực phẩm; đồng thời khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu huỷ để không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Theo đó, các cơ quan chức năng địa phương sẽ hướng dẫn nhân dân nhận biết sản phẩm cá chết với sản phẩm cá được đánh bắt, sản phẩm cá nuôi, nhằm tránh tình trạng hiểu nhầm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trên biển cũng như của các hộ nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn địa phương khuyến cáo nhân dân thường xuyên quan trắc môi trường ở các ao nuôi, hồ nuôi. Nếu thấy hiện tượng bất thường phản ánh ngay với các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, khi chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng cá chế khuyến cáo người nuôi trước mắt chưa lấy nước, thả giống vào các đầm nuôi, ao nuôi, tránh tình trạng lây lan dịch bệnh nếu có dịch bệnh xảy ra.

BNEWS: Qua sự việc này, Tổng cục Thủy sản sẽ có sự phối hợp như thế nào để nắm bắt thông tin ở địa phương một cách nhanh nhất?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Mối quan hệ cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương là việc làm thường xuyên trong công tác chỉ đạo sản xuất. Với tình hình cá chết như vừa qua, ở các tỉnh đã thường xuyên báo cáo tình hình về Tổng cục Thủy sản. Các tỉnh cũng nhanh chóng có những đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Thủy sản để có những biện pháp xử lý phù hợp nhất.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục