TP.HCM rà soát cơ sở vật chất chuẩn bị cho học sinh trở lại trường

18:57' - 07/10/2021
BNEWS Dự kiến, đầu tháng 1/2022, tức là bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022, Thành phố sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.

Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng Chỉ thị 18 trong phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục tổ chức dạy và học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho học sinh trở lại trường, ngày 7/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang rà soát tình hình cơ sở vật chất trường học, kể cả ngoài công lập theo Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Trước đó, Thành phố có hơn 1.500 trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay đã có 150 trường có kế hoạch bàn giao lại cho ngành Giáo dục, các trường còn lại dự kiến đến giữa tháng 11/2021 sẽ chuyển giao cho ngành để sửa chữa, tổng vệ sinh chuẩn bị mọi mặt trước khi học sinh trở lại học trực tiếp.

Các trường không được trưng dụng trong phòng, chống dịch sẽ chủ động sắp xếp, rà soát cơ sở vật chất, tu sửa để hoàn thiện trước khi tổ chức dạy học trực tiếp. Dự kiến, đầu tháng 1/2022, tức là bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022, Thành phố sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.

Hiện tại, UBND huyện Cần Giờ đề xuất phương án tổ chức dạy học trực tiếp trở lại từ ngày 11/10/2021 ở Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Thạnh An và Tiểu học Thạnh An (tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ). Sở đã đi kiểm tra, nắm tình hình và yêu cầu xử lý khắc phục một số nội dung nhằm đảm bảo an toàn khi học sinh đến trường.

Theo kế hoạch ở 2 trường này sẽ có 5 khối lớp gồm lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12 sẽ đi học trực tiếp trở lại, với số lượng hơn 240 học sinh và 60 giáo viên.

Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương xây dựng dự toán và tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị dạy học theo quy định; xây dựng kế hoạch, thứ tự ưu tiên cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất đúng với các quy định của pháp luật. Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng chỉ đạo hiệu trưởng các trường rà soát cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe khi trở lại trường làm việc trực tiếp…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tuần đầu năm học, số lượng học sinh tham gia học qua Internet ở các cấp đạt tỷ lệ khá cao, trong đó bậc trung học phổ thông đạt 99,8%; trung học cơ sở 97,9%; bậc tiểu học đạt 97,7%.

Riêng bậc tiểu học, có hơn 30.000 học sinh còn “kẹt” lại ở các tỉnh khác, trong đó hơn 26.500 em vẫn tham gia học trực tuyến, 5.334 học sinh đã đăng ký học tạm tại các tỉnh, còn 1.821 học sinh còn chưa liên hệ được để nắm tình hình.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn trong dạy và học trên Internet như thiết bị, đường truyền, kỹ năng dạy và học... Qua nhiều giải pháp khắc phục, đến nay việc tổ chức dạy học qua Internet với bậc Trung học phổ thông và Trung học cơ sở đã đi vào ổn định.

Riêng bậc Tiểu học vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, như còn một số ít giáo viên chưa sắp xếp hợp lý giữa thời gian tiết học và tinh gọn nội dung cốt lõi bài học; một số học sinh gặp khó khăn khi không có sự hỗ trợ của phụ huynh, nhất là lớp 1, thiếu thiết bi, đường truyền, tương tác thiết bị học tập chưa nhuần nhuyễn; còn một số rất ít phụ huynh vẫn chưa đồng thuận với việc học trực tuyến.

Mặt khác, từ ngày 1/10 nhiều cha mẹ học sinh đã đi làm lại nên việc giám sát, hỗ trợ con học tập cũng gặp khó khăn./.

>>Khi nào Hà Nội đón học sinh trở lại trường?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục