TP.HCM: Robot AI xử lý hơn 12.000 cuộc gọi về dịch bệnh của người dân

13:51' - 06/08/2021
BNEWS Tính đến ngày 3/8, Tổng đài 1022 nhận được 19.767 cuộc gọi. Trong đó, robot AI đã xử lý hơn 12.000 cuộc gọi, chiếm 60%; số lượng tổng đài viên tiếp nhận là 7.584 cuộc, tương đương 38%.

Dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua diễn biến phức tạp với số lượng ca nhiễm tăng cao, tình trạng sức khỏe bệnh nhân chuyển biến nhanh chóng.

Giãn cách kéo dài cũng khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này đặt ra yêu cầu cho thành phố phải nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ người dân, cơ sở y tế và điều phối lực lượng, phương tiện cấp cứu kịp thời. Ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp được thành phố triển khai nhanh chóng để “kết nối”, tiếp cận với người dân.

* Mở rộng Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến

Những bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Trước đây, mỗi ngày Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 1.000 cuộc gọi với khoảng 120 cuộc có nội dung xử lý, nhưng hiện tại lên tới 6.000 cuộc gọi và hầu hết đều có nội dung.

Trung tâm đã nhanh chóng nâng lên 14 đường truyền tổng đài viên (gấp 3 lần trước đây) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu các cuộc gọi về. Điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn khi gọi đến tổng đài. 

Với thực tế này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn khi cần.

Chỉ trong vòng hai ngày (24 - 25/7), Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm cấp cứu 115, VNPT thành phố và Công viên phần mềm Quang Trung đã tập trung tối đa nguồn lực kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất để thiết lập hệ thống Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến tại QTSC.

Chỉ ít ngày sau, Trung tâm cấp cứu dã chiến đã đưa vào sử dụng để đáp ứng yêu cầu bức thiết, phục vụ người dân.

Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống được nâng cấp dựa trên những công nghệ sẵn có. Thành phố có hệ thống tổng đài ứng cứu các tình huống khẩn cấp (tích hợp 3 đầu số 113 – 114 – 115); hệ thống quản lý người F0 (thuộc Trung tâm điều hành của Sở Y tế); hệ thống điều phối cấp cứu.

Ba hệ thống này đã có sẵn, trong giai đoạn cấp bách này đã được kết nối lại với nhau về dữ liệu, bản đồ, tính năng, điều phối... để hình thành nên Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến.

Từ khi Trung tâm dã chiến được thiết lập, khi có nhu cầu cấp cứu, chuyển viện, người dân hoặc các cơ sở cách ly quận/huyện có thể gọi điện tới hệ thống Tổng đài cấp cứu 115, Trung tâm sẽ điều tiết cấp cứu đưa đến bệnh viện phù hợp.

Để đáp ứng nhu cầu đồng bộ với mở rộng Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến, nhiều phương tiện taxi của Mai Linh, Phương Trang cũng đã được cấp phép để phục vụ kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở cấp cứu.

Phân tích số liệu trong những ngày đầu đưa vào sử dụng (tính đến 2/8), ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số các cuộc gọi Tổng đài cấp cứu 115 đã tiếp nhận, có 89% cuộc gọi đã được đáp ứng nhu cầu của người dân, 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% các cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng.

Tổng đài 115 dã chiến trong ngày cao điểm hơn 6.000 cuộc gọi, hiện trung bình khoảng 4.000 cuộc gọi mỗi ngày (do có sự hỗ trợ của Tổng đài 1022, với những cuộc gọi tư vấn sức khỏe). “Hiện Trung tâm đã hoạt động toàn bộ 40 máy (đường truyền) được thiết lập với 250 nhân viên trực theo ca, thực hiện phương án “ba tại chỗ” để đảm bảo “vùng xanh”.

Đến thời điểm này, Trung tâm cơ bản đáp ứng tiếp nhận khoảng 99% cuộc gọi, trừ một số cuộc gọi bị trôi được tổng đài viên gọi lại”, Bác sỹ Nguyễn Duy Long chia sẻ.

Tại buổi kiểm tra trước khi đưa vào vận hành Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đồng bộ, từ tổng đài tiếp nhận đến phương tiện vận chuyển và bệnh viện tiếp nhận để thực hiện tốt.

Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng của người dân, phải tạo mọi điều kiện để tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thành phố cũng đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị cho các bệnh viện để nâng khả năng điều trị COVID-19.

* Nỗ lực tiếp cận mọi người dân

Với thực trạng giãn cách xã hội đã kéo dài, nhiều người dân thành phố gặp khó khăn về đời sống. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo đời sống người dân đôi khi chưa bao phủ hết, khiến nhiều hộ chưa được hỗ trợ, tiếp cận.

Thành phố đã nhanh chóng triển khai tích hợp các kênh vào Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến đời sống.

Với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thành phố, Cổng thông tin 1022 đang tiếp nhận các loại thông tin liên quan đến dịch COVID-19 như: phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (nhánh phím 0);

Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (phím 2); kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch COVID-19 (phím 3).

Trong đó, khi gặp khó khăn do dịch COVID-19, người dân có thể gọi 1022 – nhấn phím 2 để cung cấp thông tin đề nghị được hỗ trợ. Thực tế trong những ngày đầu, Cổng thông tin 1022 bị quá tải ở kênh 2 do lượng thông tin người dân gọi về quá lớn, vượt khả năng đáp ứng.

Cuộc gọi tới quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng khắc phục bằng cách ứng dụng 30 robot trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ ngày 30/7.

Tính đến ngày 3/8, Tổng đài nhận được 19.767 cuộc gọi. Trong đó, robot AI đã xử lý hơn 12.000 cuộc gọi, chiếm 60%; số lượng tổng đài viên tiếp nhận là 7.584 cuộc, tương đương 38%.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, bằng ứng dụng công nghệ AI, số lượng cuộc gọi được tiếp nhận từ robot gấp 1,5 lần so với cuộc gọi của tổng đài viên, xử lý triệt để tình trạng nghẽn mạng. Để nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý cuộc gọi, Sở đã có kế hoạch tăng số lượng robot AI lên đến 300 và tăng số lượng tổng đài viên lên từ 40 - 45 người trực trong giờ cao điểm.

Từ thông tin cuộc gọi kênh 2, Sở Thông tin và Truyền thông chuyển về cho địa phương, có khoảng 65-75% thông tin đã được xác minh và đáp ứng nhu cầu của người dân, số còn lại là thông tin cuộc gọi không đủ điều kiện xử lý hoặc đang chờ tiếp nhận để xử lý.

Riêng kênh 3 đã tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi; trung bình 1 ngày, các y bác sĩ tư vấn 636 người.

Theo ông Lâm Đình Thắng, mục tiêu lớn nhất của Cổng thông tin 1022 là giúp đỡ, tạo thuận tiện cho người dân khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời.

Thành phố cũng thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hướng đến mục tiêu chung “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tại buổi họp báo chiều 5/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thực tế hai tháng không đi làm, không có tích lũy kinh tế đã tạo áp lực cho không ít người dân, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, thành phố luôn đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân gặp khó khăn, không phải trong một tuần mà có thể trong nhiều tuần, nhiều tháng. Bằng nguồn lực từ vận động trong nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, từ ngân sách, Mặt trận, đoàn thể, việc chăm lo cho bà con có thể thực hiện được.

Những trường hợp gặp khó khăn cần thông báo đến địa phương hoặc kênh thông tin tiếp nhận để thành phố làm tốt việc này.

Những nỗ lực của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khắc phục những hạn chế, những “điểm nghẽn” trong tiếp cận, hỗ trợ bệnh nhân, người dân. Hiện đã có những điểm sáng tích cực trong công tác này tuy chưa hoàn thiện. Các đơn vị thành phố vẫn nỗ lực để tiếp tục nâng cấp công nghệ, hoàn thiện giải pháp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục