Tp. Hồ Chí Minh chấn chỉnh tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

11:21' - 31/05/2017
BNEWS Sau nhiều đợt ra quân lập lại trật tự lòng lề đường trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc nhiều nơi có chuyển biến tích cực thì vẫn còn có hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè...

... thậm chí mức độ ngày càng nhiều, đòi hỏi chính quyền phải quản lý chặt chẽ hơn đồng thời kiên quyết xử lý hành vi vi phạm.

Các hàng quán tại đường Nguyễn Trung Trực, Quận 1 được dọn dẹp trật tự, thông thoáng trả lại vỉa hè cho người đi bộ thời gian trước đây. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Xe đậu tràn lan

Theo quan sát của phóng viên, trên đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, nhiều đơn vị cho thuê xe máy (dành cho khách du lịch nước ngoài) để tràn cả xe xuống lòng đường, gây cản trở giao thông.

Còn trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão, nhiều xe taxi, xe du lịch dừng đỗ quá 5 phút quy định để đưa rước khách Tây tại các khách sạn.

Lộn xộn hơn, chợ Thái Bình trên đường Phạm Ngũ Lão bày bán cả ra lòng đường, người đi chợ ngang nhiên đậu xe máy, xe ô tô xuống đường. Một số tuyến đường khác trên địa bàn quận 1 như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Bình… tiếp tục tái diễn tình trạng xe ô tô đậu đỗ tràn lan.

Trong khi đó, trên đường Phạm Văn Đồng, các quán nhậu, quán ăn nhanh ven đường bày biện bàn ghế, chiếm dụng cả vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Tại quận Gò Vấp, ngay trước chợ Hạnh Thông Tây (được mệnh danh là chợ đêm Gò Vấp) trên đường Quang Trung, các tiệm quần áo, ba lô túi xách bày biện hàng ra cả vỉa hè. Các quán chè, giải khát cũng để bàn ghế lộn xộn.

Hệ quả là giao thông khu vực này diễn ra khó khăn, nhất là từ cuối buổi chiều đến tầm 10 giờ đêm. Tương tự, trước khu vực chợ Gò Vấp trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp), nhiều người bày bán đồ ăn sáng, rau, hoa quả ra vỉa hè khiến lòng đường bị “bóp” lại, một khi xe buýt đi ngang dễ gây ùn ứ kéo dài.

Trên đây chỉ là một trong nhiều địa điểm bị tái lấn chiếm vỉa hè. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông Tp. Hồ Chí Minh, vẫn còn tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, xe đậu đỗ dưới lòng đường ngay cả nơi có bảng cấm.

Một số tuyến đường có vỉa hè bị lấn chiếm ban đêm để mở quán nhậu như tuyến đường Hoàng Sa (quận 1, quận 3, Tân Bình), tuyến đường Trường Sa (quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình), đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), đường Song hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn)…

Ngay tại trung tâm quận 1, trên một số tuyến đường vẫn còn tình trạng xe 2 bánh chạy “leo” vỉa hè như Lý Tự Trọng, Pasteur, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Đặc biệt, nhiều địa bàn chưa được duy trì, giữ vững sau khi ra quân lập lại trật tự, vỉa hè đã bị tái chiếm.

Lý giải nguyên nhân vỉa hè bị tái lấn chiếm, đại diện Ban An toàn giao thông thành phố cho rằng, một số đơn vị chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát do thu nhập của lực lượng làm công tác trật tự đô thị của phường, xã rất thấp (2 triệu đồng/người/tháng) trong khi đó yêu cầu phải thường xuyên bám và theo dõi địa bàn cả ngày lẫn đêm.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong cùng địa phương chưa chặt chẽ, nhất là tại các khu vực giáp ranh của phường, quận; lãnh đạo chính quyền nhiều quận, huyện chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa giao nhiệm vụ cụ thể và kiểm điểm cấp phường không thực hiện tốt.

Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái vi phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra.

Quản lý theo chiều sâu

Tại cuộc họp mới đây về việc đảm bảo trật tự đô thị lòng lề đường, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo các quận huyện phải làm nghiêm, kiên quyết xử lấn chiếm vỉa hè cũng như sai phạm trong quá trình lập lại trật tự.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quan điểm của thành phố là kiến quyết không để vỉa hè bị tái chiếm.

Hiện nay các địa phương đang chú trọng vào chiều sâu, đánh giá lại sau thời gian thực hiện việc lập lại trật tự đô thị lòng đường vỉa hè theo chỉ đạo của UBND thành phố, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho địa phương mình, không áp dụng máy móc, rập khuôn.
“Trong thời gian tới, thành phố phát động phong trào vận động quần chúng đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường cùng với việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để làm cơ sở vững chắc hơn cho công tác quản lý vỉa hè, lòng lề đường. Chẳng hạn như việc nên hay không nên thu phí sử dụng vỉa hè, nếu có thì mức thu là bao nhiêu… Thành phố cũng sẽ nghiên cứu các ứng dụng công nghệ thông tin để giúp cho việc quản lý vỉa hè hiệu quả, bền vững hơn; đồng thời luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch UBND các phường, xã”, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, địa bàn tiên phong trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, hiện nay công tác trật tự đô thị trên địa bàn quận vẫn được tiếp tục và giao cho UBND 10 phường.

Cùng với việc tập trung vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, miễn phí học nghề, giới thiệu việc làm, dự kiến quận 1 sẽ sắp xếp khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (phường Bến Nghé) để cho bà con buôn bán, dự kiến tháng 6 tới sẽ thực hiện.

Bên cạnh đó, quận 1 (hiện có khoảng trên 1.900 các bãi giữ xe) đang rà soát các điểm giữ xe thông minh, sắp xếp các điểm phù hợp như các lề đường, vỉa hè rộng trên 3m để tạo điều kiện cho việc giữ xe.

Về giải pháp lâu dài trong công tác gìn giữ trật tự đô thị, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định, sẽ quyết tâm chấn chỉnh trật tự lòng lề đường trên tinh thần kiên trì, đeo bám quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc với những giải pháp đồng bộ, phù hợp cụ thể cho từng địa phương.

Cùng với việc biểu dương, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này, thành phố sẽ nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý để tái chiếm, lấn chiếm lòng lề đường...

Đối với Sở Giao thông Vận tải, UBND thành phố chỉ đạo xem xét việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông, vận tải, việc thu phí, lệ phí ở các điểm đậu xe trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

UBND thành phố giao UBND các quận huyện thực hiện giải pháp bắt buộc các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm cam kết; phối hợp chặt chẽ các đối với các địa bàn giáp ranh; sắp xếp lại việc buôn bán đối với các chợ tự phát…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục