Tp. Hồ Chí Minh, đổi mới sáng tạo - Bài 2: Cởi bỏ “chiếc áo” đô thị chật hẹp

09:31' - 29/04/2021
BNEWS Sau 46 năm giải phóng và đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Trong đó, có vấn đề đô thị hóa. “Chiếc áo” đô thị được thiết kế trước và sau giải phóng hiện đã trở nên chật chội, không tương xứng với đà phát triển nhanh, mạnh.

Nhận thấy được điều này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ đã có nhiều chủ trương, cách làm sáng tạo nhằm “cởi bỏ” chiếc áo đô thị chật hẹp để xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình. 

* Dấu ấn đô thị hiện đại

Phú Mỹ Hưng, huyện Nhà Bè, nay là Quận 7 là mô hình khu đô thị kiểu mẫu, thành công nhất cho đến thời điểm hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Gần 20 năm về trước, Phú Mỹ Hưng chỉ là bãi đầm lầy, thưa vắng. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thiết kế đô thị cũng như đầu tư hạ tầng, biến nơi đây trở thành khu đô thị hiện đại, có chất lượng sống cao.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành từ việc Tập đoàn CT&D Đài Loan hợp tác với Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận làm Khu chế xuất Tân Thuận. Sau đó liên danh đã đề xuất giao Công ty Liên danh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng con đường dài 17,8 km, lộ giới 120m (về sau đổi tên thành đường Nguyễn Văn Linh) để đổi lại thuê 600 ha đất xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Hiện tại, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Phú Mỹ Hưng đang khai thác và phát triển 5 cụm đô thị với tổng diện tích hơn 600 ha. Ngoài ra, các nhà quy hoạch chuyên nghiệp đã quy hoạch thành 21 phân khu chức năng dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Phát huy thành công mô hình này, trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều khu đô thị hiện đại khác như Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể Khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Tương lai gần, Khu đô thị Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ “lột xác” từ vùng đất thấp trũng thành đặc khu kinh tế, đô thị biển có chất lượng sống cao hơn cả Khu đô thị Phú Mỹ Hưng...

Cùng với việc hình thành các khu đô thị hiện đại, sau ngày giải phóng đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhiều công trình hạ tầng lớn đã được đầu tư, xây dựng bài bản như: sân bay Tân Sơn Nhất, đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Sài Gòn, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, cầu Tân Thuận, tuyến metro số 1, đường Phạm Văn Đồng…

Những dự án giao thông trọng điểm nói trên không những giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tăng cường nối Thành phố với các địa phương trong Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra giao thương nhộn nhịp trong khu vực Đông Nam Á.

*Cực tăng trưởng mới

Lãnh đạo Trung ương đã nhiều lần khẳng định, đánh giá cao truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố, xem đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của một đô thị giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1111/2020/NQ-UBTVQH14; trong đó, có nội dung thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Việc thành lập Thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố Thủ Đức chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số Thành phố Hồ Chí Minh nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho Thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thành phố Thủ Đức được đánh giá sẽ là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Mô hình “thành phố trong thành phố” trở thành hạt nhân và một cực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh khai thác tốt hơn lợi thế về vị trí, tạo cơ hội thuận lợi để tận dụng nguồn nhân lực trẻ, sức tăng trưởng nhanh và tỷ lệ đô thị hóa cao, dần hình thành các chuỗi giá trị trong các ngành công nghệ cao, phát triển khoa học công nghệ như một yếu tố chủ chốt để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ thu hút được nhân tài và phát triển các kỹ năng trong lực lượng lao động, đồng thời góp phần tinh giản bộ máy hành chính, đẩy tiến trình cải cách hành chính dựa vào công nghệ mạnh mẽ hơn.

Đáng chú ý, thông qua những thay đổi trong cơ chế phân cấp về ngân sách cho thành phố trực thuộc, Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại Thành phố Thủ Đức theo cơ chế phân bổ có yếu tố ưu tiên đối với các ngành đặc thù mũi nhọn phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, vấn đề cấp bách hiện nay là chuẩn bị ngay đề xuất kiến nghị cơ chế đặc thù đối với Thành phố Thủ Đức. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm kiến nghị Chính phủ, Trung ương, Quốc hội tạo điều kiện phát triển Thành phố Thủ Đức như kỳ vọng.

Song song với việc triển khai có hiệu quả mô hình “thành phố trong thành phố” để xứng tầm vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó nâng tầm quốc gia lên vị trí mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.

Ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có quy mô tập trung lớn, bước đầu có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận Lào, Campuchia, Myanmar… Về dài hạn, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khu vực ASEAN mà còn rộng hơn thế.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng đề án chuyển một số huyện lên quận, chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ để khai thác tối đa nguồn lực đất đai.

Thành phố đang xây dựng đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025” với phương án Thành phố giữ lại 23% nguồn thu thay vì chỉ chỉ có 18% như trước đây để Thành phố phát triển nhanh, bền vững. Đáng chú ý, Thành phố sẽ tổ chức đấu giá các khu đất ven dự án hạ tầng giao thông để cho thuê, thanh toán cho nhà đầu tư, giảm chi tiêu ngân sách đồng thời xã hội hoá nguồn vốn đầu tư.

Trước yêu cầu đổi mới nhằm bắt kịp nhịp độ phát triển của một đô thị lớn, đồng thời để giải quyết các rào cản quy hoạch cũ, hiện nay Thành phố đang hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060; trong đó nhiệm vụ trọng tâm là quy hoạch Thành phố Thủ Đức.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước về du lịch, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp – nông nghiệp kỹ thuật cao, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển.

Thành phố cũng là trung tâm văn hoá thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Đông Nam Bộ, đầu mối giao thông hạ tầng số quan trọng trong Vùng Thành phố  Hồ Chí Minh, quốc gia và quốc tế. Việc phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gắn với định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cấu trúc đô thị đa cực.

Tầm nhìn xa hơn, giai đoạn 2021 - 2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hoá, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, có chức năng hiện đại, thiết kế đô thị phát huy truyền thống lịch sử văn hoá trên cơ sở vận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố.

Sau 46 năm giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đang mạnh mẽ vươn lên, trở thành và liên tiếp giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Chính sự năng động, sáng tạo của các thế hệ Lãnh đạo và người dân Thành phố cùng với những chủ trương đúng đắn, sự ủng hộ kịp thời của Trung ương đã tạo nên sức mạnh để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn./.

Xem thêm:

>>Tp. Hồ Chí Minh, đổi mới sáng tạo - Bài 1: Thành tựu nhờ tư duy đổi mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục