Tp. Hồ Chí Minh hướng đến phát triển công trình xanh

16:53' - 22/10/2024
BNEWS Số lượng công trình xanh tại Tp. Hồ Chí Minh trong 5 năm trở lại đây có xu hướng tăng nhanh, đó là một tín hiệu tích cực.

Tp. Hồ Chí Minh hiện có số lượng công trình xanh nhiều nhất trên cả nước với tổng diện tích sàn hơn 3 triệu m2, nhưng nếu so với tổng diện tích sàn công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố trong một năm thì con số trên không đáng kể.

 

Tuy nhiên, số lượng công trình xanh tại thành phố trong 5 năm trở lại đây có xu hướng tăng nhanh, đó là một tín hiệu tích cực. Đây là chia sẻ của đại diện Sở Xây dựng Tp.Hồ Chí Minh tại Hội thảo “Xây dựng và Công trình Xanh” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh GEFE năm 2024 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cùng với Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/10.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, ngành xây dựng Tp. Hồ Chí Minh hiểu tầm quan trọng của công trình xanh như một xu hướng tất yếu trong phát triển hạ tầng xây dựng cũng như trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Tuy nhiên, trên thực tế Tp. Hồ Chí Minh hiện tại vẫn đang ưu tiên thực hiện những quy chuẩn bắt buộc về giảm phát thải đã được pháp luật quy định, nhất là thực hiện tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó công trình xanh chỉ dừng ở mức độ khuyến khích thực hiện chứ không bắt buộc. Thành phố cũng như nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang chờ những quy định pháp luật mới cho công trình xanh.

Trên thực tế, Tp. Hồ Chí Minh đã có chiến lược về thúc đẩy phát triển công trình xanh từ giai đoạn năm 2014-2015. Khi đó thành phố ban hành một số quy chế về quản lý kiến trúc, bao gồm ưu đãi về tăng hệ số sử dụng đất cho các công trình thân thiện với môi trường, tuy nhiên lại không quy định rõ tiêu chí để xác định thế nào là công trình thân thiện với môi trường nên không thể triển khai.

Đến giai đoạn năm 2017-2018, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đã soạn thảo quy định nếu công trình đạt được một trong bốn chứng nhận công trình xanh gồm Lotus, Leed, Edge hoặc Green Mark thì chủ đầu tư sẽ nhận được ưu đãi tăng hệ số sử dụng đất lên 1 mức.

Tuy nhiên, khi sở trình lên các cấp có thẩm quyền thì phát hiện còn nhiều vấn đề khiến quy định chưa thể ban hành được, chủ yếu là do hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa công nhận bất cứ một chứng chỉ, chứng nhận công trình xanh quốc tế nào, quy định do đó bị “treo” đến nay.

Về định hướng, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh nhận thấy thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công trình xanh đối với các công trình có vốn đầu tư công, bởi toàn bộ công trình xanh trên địa bàn hiện nay đều có nguồn gốc từ vốn tư nhân hoặc vốn đầu tư nước ngoài còn công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoàn toàn không có, trong khi đối với lĩnh vực này thì đáng lẽ thành phần kinh tế nhà nước phải đi đầu làm gương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, Tp. Hồ Chí Minh lựa chọn phát triển xanh là chiến lược phát triển trong tương lai, trở thành Thành phố xanh và có một nền kinh tế xanh, hướng đến phát triển thành đô thị bền vững mang tính toàn cầu; tận dụng tối đa nhưng cũng bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự bảo vệ sinh học, tích hợp với việc sử dụng đất hợp lý và bảo vệ nguồn nước.

Tp. Hồ Chí Minh cũng hướng đến phát triển nhiều loại hình đô thị dành cho những khu vực khác nhau, từ đó thu hút dự án, đặt kế hoạch chuyển đổi thành công trình xanh sau này; trong đó, thành phố tập trung phát triển mô hình “khu đô thị nông nghiệp” tại những vùng vườn cây ăn trái hoặc đồn điền rộng lớn ở ngoại vi thành phố.

Mô hình đô thị nông nghiệp có mật độ xây dựng thấp để đảm bảo cây xanh trong từng lô đất xây dựng, đồng thời bảo tồn các khu vực cận kề đô thị... Hoạt động nông nghiệp diễn ra bên trong hay kề cận đô thị sẽ làm giảm các chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, giúp người dân tiếp cận các thực phẩm tươi ngon, tốt cho sức khỏe.

Ông Vũ Linh Quang, Giám đốc Điều hành tại Công ty Tư vấn xanh ARDOR Green cho biết, việc triển khai công trình xanh nói chung luôn gặp nhiều thách thức về việc gia tăng chi phí đầu tư xây dựng khiến một số nhà đầu tư e ngại. Các chi phí phát sinh phần lớn là cho việc cải thiện lớp vỏ bao che (tường, cửa sổ, mái), trang thiết bị điều hòa không khí, các hệ thống cảm biến tự động tắt mở và kiểm soát hẹn giờ.

Tuy nhiên, theo ông Quang, chi phí trên thực tế không hề lãng phí, mà là việc đầu tư cho tương lai vào hệ thống trang thiết bị công trình, cho hiệu quả vận hành của tòa nhà, và các giải pháp này thường có thời gian hoàn vốn trong khoảng 3-5 năm.

Công trình xanh nếu được thiết kế tốt từ ban đầu, định lượng theo các tiêu chuẩn xanh, sẽ mang lại giá trị cao hơn cho công trình, giảm chi phí vận hành, và gia tăng khả năng chuyển nhượng công trình. Khi công trình đảm bảo được các điều kiện về tiện nghi nhiệt, ánh sáng tự nhiên, thông thoáng tự nhiên thì năng suất lao động và sức khỏe của cư dân cũng sẽ được nâng cao.

Về giải pháp phát triển công trình xanh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư trong khâu thiết kế cần tính đến vấn đề cân đối giữa chi phí và hiệu quả sử dụng năng lượng trong vòng đời của một công trình, bởi chi phí xây dựng công trình xanh thường cao hơn từ 3-10% so với công trình bình thường.

Mức chênh lệch này không cao và khi chủ đầu tư được phổ biến, nhận thức được lợi ích mà công trình xanh mang lại cho môi trường cũng như có khả năng giúp nâng giá trị thương hiệu của nhà đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn triển khai loại công trình này hơn.

Mặt khác, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các công trình xanh bằng những tiêu chí, quy định cụ thể; đồng thời công nhận những chứng chỉ, chứng nhận công trình xanh có giá trị quốc tế. Nhà nước cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là đơn giá định mức để tăng số lượng công trình xanh từ vốn đầu tư công.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục