Tp. Hồ Chí Minh lên kế hoạch triển khai mô hình TOD theo 7 bước

16:46' - 11/08/2023
BNEWS Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị góp ý triển khai xây dựng đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Ngày 11/8, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị góp ý triển khai xây dựng đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Dự thảo kế hoạch được Sở này đưa ra có 7 bước thực hiện với 2 giai đoạn, triển khai trước ở Vành đai 3 và metro số 1.

 
Để triển khai xây dựng đề án thí điểm này, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đề xuất 7 bước thực hiện. Đầu tiên là xác định đầu mối giao thông dự kiến để phát triển TOD. Bước thứ hai là xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, nút giao Vành đai 3, rà soát quỹ đất, quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ, đánh giá hiện trạng kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Bước tiếp theo sẽ tổ chức điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu có).

Trên cơ sở đó, bước 4 sẽ đề xuất dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, đầu tư dự án hạ tầng kết nối giao thông. Các bước tiếp theo lần lượt sẽ tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo đề xuất trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư; tổ chức triển khai dự án, lựa chọn nhà đầu tư…

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mô hình TOD đã được ấp ủ và đề xuất từ nhiều năm trước, nên khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh thì thành phố nhanh chóng bắt tay vào làm. Thành phố đã lập tổ công tác rà soát quy hoạch, pháp lý, khả năng phát triển các khu đất dọc Vành đai 3, Vành đai 4 và metro số 1, metro số 2.

“Vấn đề đặt ra làm sao để triển khai đề án thí điểm đồng bộ, phân công phân nhiệm rõ ràng khi thời gian thí điểm không dài, chỉ 5 năm. Quốc hội cho phép thí điểm TOD dọc theo vùng phụ cận Vành đai 3 và phụ cận các nhà ga đường sắt nên trong quan điểm dự thảo kế hoạch thí điểm mô hìnhTOD sẽ gắn với đầu mối giao thông, hình thành trước hoặc đồng thời để đô thị phát huy hiệu quả”, ông Lâm chia sẻ.

Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất lộ trình thí điểm mô hình TOD theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là triển khai mô hình TOD cho vùng phụ cận của Vành đai 3 và metro 1. Giai đoạn 2 sẽ triển khai thực hiện tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt gắn với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

“Giai đoạn 1 có thể triển khai từ nay đến tháng 10/2023. Nếu nhanh, chúng ta xác định được một số khu đất gắn với metro số 1 và nút giao Vành đai 3, sẽ bắt tay điều chỉnh quy hoạch và cố gắng xây dựng một kế hoạch khả thi”, ông Trần Quang Lâm kỳ vọng.

Tại Hội nghị, đại diện các sở ngành, địa phương cơ bản đồng tình với lộ trình 7 bước thực hiện, đồng thời đóng góp một số ý kiến liên quan các vấn đề như khoảng cách từ khu đô thị đến các nhà ga, rà soát quy hoạch chung, trong quy hoạch nên đưa vào một số chỉ tiêu cứng…

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, khi bắt tay vào triển khai sẽ gặp phải vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, quá trình đấu giá đất, liên quan đến nhiều địa phương... Dọc tuyến metro số 1 và Vành đai 3 hiện nay đã có nhiều công trình dày đặc, đi qua khu dân cư nên việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sẽ mất khá nhiều thời gian./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục