TP. Hồ Chí Minh sẽ có sách giáo khoa riêng từ năm 2018

09:47' - 06/08/2016
BNEWS TP. Hồ Chí Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho biên soạn và sử dụng sách giáo khoa riêng bám sát khung chương trình của Bộ.
TP. Hồ Chí Minh sẽ có sách giáo khoa riêng từ năm 2018. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở đề nghị của ngành giáo dục thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh biên soạn bộ sách giáo khoa theo khung chương trình mới.

Theo ông Sơn, TP. Hồ Chí Minh có đặc thù riêng trong khi bộ sách đang sử dụng có nhiều nội dung cần phải cập nhật theo kiến thức thực tiễn. Cách biên soạn cũ còn nặng tính hàn lâm, kiến thức thiếu tính ứng dụng.

TP. Hồ Chí Minh có lợi thế là nơi hội tụ nhiều chuyên gia đầu ngành để có thể mời tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa.

Việc biên soạn này sẽ gắn các nội dung đổi mới về lịch sử, về địa lý, một số ngôn ngữ, từ ngữ… gắn với địa phương để khi chuyển tải tới học sinh mang tính thực tiễn hơn, nhất là ứng dụng thực hành trong giai đoạn mới.

Sách sẽ biên soạn nhằm giảm tải tính hàn lâm, lý thuyết để tăng tính thực hành, ứng dụng theo hướng tích hợp, liên môn. Có thể sẽ thực hiện 8 môn học và xây dựng các tiết học đảm bảo chuyển tải khung của chương trình. Bộ sách giáo khoa riêng của thành phố sẽ đưa vào thí điểm từ năm 2018-2019.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc giảm tải nội dung hàn lâm để học sinh có thời gian thực hành các kỹ năng là một trong những mục tiêu khi biên soạn sách giáo khoa mới của TP. Hồ Chí Minh.

Ngành giáo dục sẽ tăng cường các hoạt động cho học sinh trong trường học, xây dựng những tiết học về kỹ năng, năng khiếu… Vấn đề này cũng song song với việc TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao cho TP. Hồ Chí Minh trong việc xét tốt nghiệp THPT.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa đặc biệt quan tâm đến môn Lịch sử cũng như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bởi theo bà Tâm, học sinh không thích học Sử là lỗi của ngành giáo dục, lỗi của chương trình, phương pháp dạy chứ không phải lỗi của học sinh, vì vậy cần phải tìm cách khắc phục.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục