Tp. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ

18:45' - 09/10/2024
BNEWS Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, hoạt động mua bán vàng miếng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường. Có thời điểm, nhiều cửa hàng kinh doanh trong tình trạng vắng khách tới giao dịch.
Với diễn biến giá vàng thế giới biến động mạnh, tác động nhất định đến tình hình thị trường trong nước, mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp phổ biến thông tin quy định pháp luật về điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

 
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đồng thời gửi tới Ban Dân vận Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Công an thành phố, UBND các quận, huyện và Tp. Thủ Đức và Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý thành phố.

Văn bản này được đưa ra trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng nhanh, nhất là sau khi các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ...

Đặc biệt, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định khác có liên quan như nhãn mác, chất lượng sản phẩm, hóa đơn chứng từ, thuế, nguồn gốc sản phẩm, an toàn an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm về bảo vệ môi trường... Ngoài ra, các điều kiện pháp lý doanh nghiệp phải thực hiện là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có đăng ký ngành nghệ sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (Giấy chứng nhận) là thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết, các thủ tục này được niêm yết công khai hướng dẫn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận. Thủ tục hành chính này miễn phí và người thực thi không được gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cấp phép.

Do đó, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ theo quy định pháp luật, liên hệ trực tiếp tại bộ phận giao dịch một cửa (số 8 Võ Văn Kiệt, Quận 1) để được hướng dẫn, không nên qua trung gian, dịch vụ, vừa mất chi phí không cần thiết, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động dịch vụ công.

Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, hoạt động mua bán vàng miếng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường. Có thời điểm, nhiều cửa hàng kinh doanh trong tình trạng vắng khách tới giao dịch.

Chiều 9/10, anh T.A tới một điểm giao dịch của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh để bán vàng miếng. Chỉ chưa đầy 15 phút, giao dịch bán vàng của anh T.A đã hoàn tất; trong đó, bao gồm cả thời gian ngồi chờ tới lượt, kiểm tra thông tin vàng và nhận tiền.

Theo anh T.A, việc bán vàng miếng diễn ra bình thường, không có gì khó khăn. Khách hàng cũng không cần khai báo thông tin gì. Tuy nhiên, việc giao dịch của anh T.A thuận lợi, do trước đó anh mua vàng SJC từ cửa hàng của công ty này. Nhờ có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng nên việc giao dịch diễn ra khá nhanh chóng.

Trong khi đó, chị N.H (Tp. Hồ Chí Minh) tới mua vàng miếng cũng khá thuận lợi. Không cần phải đăng ký mua online trước, chị N.H chỉ mang theo tiền mặt và căn cước công dân để giao dịch.

Việc mua bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm giao dịch của SJC ghi nhận vẫn diễn ra bình thường, không có cảnh tranh mua, tranh bán như thời gian trước. Đáng chú ý, mới đây (tháng 8-9/2024), SJC liên tiếp mở thêm 2 điểm giao dịch mới ngay trung tâm Tp. Hồ Chí Minh là khu vực Chợ Bến Thành (Quận 1) và đường Võ Văn Tần (Quận 3) nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. Tuy vậy, có thời điểm, các cửa hàng giao dịch trong tình trạng khá vắng khách.

Ngược lại, việc mua bán vàng miếng SJC trực tuyến qua các ngân hàng có vẻ lại kỳ công hơn và bị giới hạn số lượng. Để mua vàng miếng, khách hàng phải đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, số lượng muốn mua và chi nhánh giao dịch…

Điều kiện để mua vàng miếng online tại các ngân hàng thương mại là khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng đó. Số tiền tối thiểu trong tài khoản tại thời điểm đăng ký phải đủ mua 1 lượng vàng miếng SJC (giá hiện tại là 85 triệu đồng) và mỗi người chỉ được đăng ký mua 1 lượng vàng miếng SJC.

Sau khi đáp ứng đủ điều kiện và đăng ký thành công, khách hàng sẽ nhận được một mã xác nhận, thời gian và địa điểm giao dịch. Tuy vậy, nếu khách hàng tới trễ quá 30 phút theo giờ quy định, mã đăng ký sẽ bị hủy.

Ngoài ra, việc bán vàng miếng SJC của người dân hiện nay cũng không dễ dàng như trước. Anh T.V (Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây, anh có mang một lượng vàng miếng ra một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Quận 5 và Bình Thạnh để bán, nhưng khi liên hệ, các tiệm vàng đều từ chối và cho biết không thu mua vàng miếng SJC. Số vàng này gia đình mua từ lâu nên không có giấy tờ, hóa đơn, các tiệm vàng khuyên anh nên mang tới các điểm giao dịch của SJC để bán.

Thực tế, việc các tiệm vàng từ chối mua vàng miếng SJC là điều dễ hiểu, vì theo quy định các tiệm vàng không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC. Trước đó, từ tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC. Tuy nhiên, chỉ duy nhất SJC thực hiện thu mua lại vàng miếng từ các cá nhân và tổ chức, 4 ngân hàng trên chỉ thu mua vàng miếng SJC mà chính công ty đã bán ra trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục