Tp. Hồ Chí Minh thuộc nhóm có mức sinh thấp nhất cả nước

14:19' - 14/07/2023
BNEWS Với mức sinh chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, Thành phố Hồ Chí Minh đang được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.
Đây là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của Thành phố. Thông tin được chia sẻ tại Lễ phát động Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2023, ngày 14/7.

 
Tại Lễ phát động, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai thách thức lớn nhất Thành phố đang phải đối mặt đó là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh. Với mức sinh 1,39 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Trong điều kiện kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ người trên 60 tuổi của Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua con số 10%. Năm 2022, Thành phố có 1,033 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,03% trên tổng dân số. Số liệu này đánh dấu một dấu mốc thành phố đang tiến nhanh về quá trình già hóa dân số. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số khiến suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ.

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của Thành phố, ngành Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng hành thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Việc sinh đủ 2 con sẽ góp phần cải thiện mức sinh, kéo dài thời kỳ dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Song song đó, nâng cao nhận thức của thanh niên về tầm quan trọng của khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2023 được triển khai thực hiện tại 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn từ ngày 7/7 đến ngày 7/9/2023. Các hoạt động nhằm giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Chiến dịch đặt mục tiêu có rên 50% nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe. 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản được cung cấp thông tin; phấn đấu 100% chỉ tiêu về gói dịch vụ tầm soát chẩn đoán và điều trị trước sinh, gói dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn và gói khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Tại buổi phát động Chiến dịch, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình như: tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cao, kiểm soát tốt tỷ lệ giới tính khi sinh đạt mức 107 bé trai/100 bé gái, thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, tuổi thọ trung bình cao hơn cả nước…

Trước những thách thức, khó khăn của công tác dân số trong tình hình mới khi vừa phải nâng cao mức sinh vừa phải nâng cao chất lượng dân số, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; đồng thời nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của người dân. Thành phố tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành trong công tác nâng cao chất lượng dân số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục