TP Hồ Chí Minh tìm vốn hoàn thiện dự án giao thông dang dở

06:15' - 29/04/2016
BNEWS TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đang cố gắng tìm nguồn vốn hoàn thiện các dự án giao thông còn dang dở.
Ùn tắc trên Quốc lộ 13 hướng về các tỉnh miền Đông. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ùn tắc, tai nạn từ nội đô đến các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố vẫn là nỗi lo thường trực của người dân Tp. Hồ Chí Minh và càng nhân lên gấp bội mỗi dịp nghỉ lễ, tết.

Các điểm ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông, phía Bắc, phía Tây Nam diễn ra thường xuyên và tắc nghẽn kéo dài cùng với số vụ tai nạn gia tăng trên quốc lộ, đường cao tốc quanh thành phố.

Ám ảnh ùn tắc

Cứ thời gian cao điểm buổi sáng, chiều, các cửa ngõ phía Đông Bắc trên quốc lộ 13, phía Đông trên xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Tây Bắc trên quốc lộ 22, Tây Nam quốc lộ 1A thường xuyên ùn tắc.

Đa phần các tuyến đường dẫn vào trung tâm, hay đi xuyên tâm thành phố đều quá tải bởi lượng xe cộ lưu thông quá cao. Nhiều tuyến đường mới mở rộng được vài năm nay đã bị xuống cấp và quá tải bởi lượng xe tải, xe khách, xe gắn máy gia tăng đột biến.

Tại quốc lộ 13 (từ cầu vượt Bình Phước – đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức), giờ cao điểm hàng chục nghìn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp, biến con đường thành một biển người nhích từng chút dưới nắng và khói bụi.

Người dân sống ở khu vực phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết, đây là tuyến đường ngắn nhất từ trung tâm Tp. Hồ Chí Minh đi tỉnh Bình Dương và người dân tại các quận nội thành hoặc phía Tây thành phố làm việc trong khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) cũng phải di chuyển qua con đường này. Do đó, mật độ xe lưu thông hằng ngày trên đường rất lớn dẫn đến quá tải.

Thêm vào đó, cầu Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn (nối Quận Thủ Đức - Quận Bình Thạnh) mặt cầu hẹp, nên giờ cao điểm vẫn hay xảy ra ùn ứ.

Chị Nguyễn Thị Dáng nhà ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) hiện đang làm việc tại quận 1, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, do nhà xa nơi làm việc nên mỗi ngày chị phải mất gần 3 tiếng di chuyển trên đường. Sáng nào chị cũng phải thức dậy từ 4h30 để 5h kịp đi làm.

Còn ông Phạm Tấn Tho, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho hay ngày nào bước ra khỏi nhà cũng gặp cảnh tắc đường nên đang có ý định bán nhà chuyển đi nơi khác sống. Quốc lộ 13 có mặt đường nhỏ nên cứ đến giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều là kẹt xe.

Rất nhiều vụ va quẹt, tai nạn xảy ra khi nhiều phương tiện băng ngang đường thiếu quan sát và người tham gia giao thông thiếu ý thức - ông Tho nhận xét.

Vào dịp lễ, tết, lượng xe ra - vào bến xe Miền Đông tăng cao cũng góp thêm phần ùn ứ tại Quốc lộ 13. Mặc dù cơ quan chức năng đã lắp một dải phân cách ngăn làn xe máy và ô tô nhưng cũng không giải quyết được cảnh lộn xộn.

Xa lộ Hà Nội đoạn từ khu du lịch Suối Tiên (quận 9) về trung tâm đã được mở rộng mặt đường đến 10 làn xe, nhưng do phương tiện quá đông di chuyển vào giờ cao điểm, nên thường xuyên xảy ra ùn ứ. Đặc biệt là nút giao thông Cát Lái chưa được thi công hoàn thiện cũng làm cho mức độ tắc nghẽn giao thông gia tăng trong những ngày qua.

Không chỉ vùng ven, ngay các tuyến phố trung tâm như đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu... cũng thường xuyên bị ùn tắc giao thông mỗi khi tan tầm hoặc thời điểm học sinh đến trường, người lao động đi làm.

Các tuyến đường nội đô thì không thể mở rộng, bởi vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng quá lớn, trong khi các dự án chung cư cao tầng, nhà văn phòng phức hợp vẫn tiếp tục mọc lên. Áp lực giao thông sẽ tiếp tục dồn nén vào khu trung tâm nếu thành phố không có giải pháp quy hoạch đồng bộ và việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh, nhằm giảm áp lực trung tâm.

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư cho giao thông. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Hoàn thiện các dự án dang dở

Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn còn rất nhiều dự án giao thông đầu tư dang dở, kéo dài lâu năm gây bức xúc cho người dân; trong đó phải kể đến tuyến đường vành đai 2 bao quanh các quận trung tâm thành phố.

Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70 km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái (Xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố.

Cuối tháng 1, Tp Hồ Chí Minh đã đưa cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai 2 vào vận hành, đồng thời phân luồng xe khách, xe du lịch, xe gắn máy đi vào đường D1, D2 của Khu công nghệ cao quận 9 ra xa lộ Hà Nội. Do chưa cho xe vận tải trên 3,5 tấn lưu thông qua tuyến đường trung tâm khu công nghệ cao, nên lượng xe tải container hướng ra cảng Cát Lái, hay sang quận 7 vẫn không thể đi qua tuyến đường này.

Chính vì thế giao thông trên xa lộ Hà Nội vẫn chưa giảm áp lực ùn tắc. Hiện Thành phố đang bố trí vốn để hoàn thiện tuyến đường này bởi sau khi đường vành đai 2 được khép kín toàn bộ, xe vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây sẽ không còn phải chạy xuyên qua khu vực nội thành.

Từ giữa năm 2015, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương đầu tư đường vành đai 3 Tp Hồ Chí Minh (đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch) với chiều dài 17,8 km.

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 có tổng chiều dài 89,3 km đi qua Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với quy mô 6 làn xe lưu thông và hai làn dừng xe khẩn cấp. Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực quanh Tp Hồ Chí Minh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tại kỳ họp thứ 21 Hội đồng nhân dân, đa số các đại biều đều tán đồng việc ưu tiên vốn đầu tư cho giảm ùn tắc giao thông.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Tp Hồ Chí Minh sẽ triển khai 1.277 dự án đầu tư công với số vốn ngân sách cần chi gần 137.000 tỷ đồng; trong đó, nhiều nhất là vốn dành cho giảm ùn tắc, tai nạn giao thông (chiếm đến 36,7%); tiếp đến là vốn dành cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoảng 18,5%) và nguồn vốn dành cho chương trình giảm ngập nước cùng các dự án khác.

Với lượng vốn đầu tư lớn được dự kiến, bài toán tắc nghẽn giao thông tại Tp Hồ Chí Minh sẽ có lời giải trong vài năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục