Tp. Hồ Chí Minh: Triển vọng và thách thức đối với mô hình “thành phố trong thành phố”
Tại hội thảo “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố - Triển vọng và thách thức” do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên thực hiện mô hình này, hiện thực hóa mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương vào thực tiễn.
Đối với đề án thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm, đây là cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Xét về góc độ hành chính, việc sáp nhập 3 quận (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức) thành thành phố Thủ Đức cũng chỉ tương đương đơn vị cấp quận, huyện. Công việc phía trước còn rất ngổn ngang, muốn thực hiện hiệu quả đề án này, Thành phố Hồ Chí Minh phải đề xuất Trung ương, Quốc hội cho phép chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố Thủ Đức cao hơn cấp quận, huyện.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Nhiêm, đề án thành lập thành phố Thủ Đức cần trả lời 3 câu hỏi lớn: Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thủ Đức được gì, Thành phố Hồ Chí Minh được gì và Trung ương, cả nước được gì. Trong quá trình triển khai đề án cần xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả, tăng tính chủ động để phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Mô hình tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức sẽ phải tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn thay vì bộ máy của 3 quận cũ trước đây thông qua việc tăng tính tự chủ của thành phố mới, phân quyền nhiều hơn trong từng lĩnh vực, giảm cơ chế “xin – cho”.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi, Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các siêu thành phố trên thế giới phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về môi trường, giao thông, nhà ở, năng lượng, cấp thoát nước, giáo dục, công nghệ…
Muốn vậy, Thành phố phải có sự thay đổi cũng như giải quyết nhiều vấn đề về thể chế quản trị, trong đó trọng điểm là tăng cường tính minh bạch và lấy công dân làm trung tâm.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, bên cạnh việc phân tích căn cứ pháp lý, tác động tích cực từ việc thành lập thành phố Thủ Đức, ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cũng chỉ ra nhiều thách thức cần được tháo gỡ.
Đơn cử, việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn so với trước đây có thể phát sinh nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thay đổi địa chỉ,giấy tờ của người dân.
Một số cán bộ công chức của các đơn vị chính quyền địa phương có thể bị tác động đến tâm tư, tình cảm do có sự xáo trộn thời gian đầu về bộ máy. Người dân, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế tri thức, công nghệ cao theo định hướng phát triển kinh tế của thành phố Thủ Đức.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị - đất đai, ngay khi có thông tin chấp thuận chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức đã xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất gây sốt ảo trên thị trường bất động sản, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép ồ ạt... dẫn đến những hệ lụy về sau khi thực hiện quy hoạch, không còn quỹ đất để phát triển.
Trong khi đó, thành phố Thủ Đức sẽ rất cần một hạ tầng mạnh để đưa kinh tế số, kinh tế tri thức phát triển, vấn đề đặt ra là kinh phí ở đâu để thực hiện.
Từ những phân tích kể trên, ông Lê Minh Đức cho rằng, cần đẩy mạnh quá trình tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, có lộ trình phù hợp.
Để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ và quy hoạch của thành phố Thủ Đức, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ cho UBND thành phố Thủ Đức trực tiếp thực hiện, quyết định, giải quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn của chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận hiện nay để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
Mặt khác, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới, sớm công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và xóa quy hoạch để người dân có cơ hội kịp thời khai thác, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai.
Thành phố xử lý nghiêm tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước tăng cường đầu tư bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa, xây dựng nhiều không gian xanh, môi trường sống tốt, hạnh phúc hơn cho người dân thành phố Thủ Đức.
Tại hội thảo, trao đổi thêm thông tin về đề án thành phố Thủ Đức, ông Huỳnh Khắc Điệp, Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc nhập 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức) sẽ hình thành một thể thống nhất, qua đó các chính sách sẽ được triển khai rất nhanh và đây cũng là điều kiện để thực hiện mạnh mẽ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Hiện nay, UBND Thành phố đang xây dựng dự thảo nhằm tăng quyền mạnh mẽ cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cũng như tạo điều kiện, cơ chế để thành phố Thủ Đức phát triển nhanh, mạnh./.
Tin liên quan
-
Bất động sản
Bất động sản bị thổi giá theo quy hoạch thành phố Thủ Đức
11:36' - 06/11/2020
Từ nhiều tháng nay, môi giới, cò đất đã lợi dụng chủ trương về quy hoạch thành phố Thủ Đức để thổi giá bất động sản một số khu vực trên địa bàn 3 quận nói trên nhằm hưởng chênh lệch.
-
Kinh tế Việt Nam
Sau khi được thành lập, TP Thủ Đức dự kiến đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước
14:12' - 19/09/2020
Tại Hội nghị góp ý Đề án đô thị chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, dự kiến sau khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Truyền tải an toàn sản lượng điện hơn 910 tỷ kWh
18:08'
Giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, EVNNPT đã truyền tải tổng sản lượng 910,5 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng điện truyền tải bình quân 7,9%/năm.
-
Kinh tế Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu luân phiên tàu bay dừng khai thác
17:00'
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản dừng bay.
-
Kinh tế Việt Nam
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn cho các dự án truyền tải điện
15:30'
Năm 2021, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn, phấn đấu thu xếp đủ vốn cho các dự án lưới điện, không để dự án bị chậm tiến độ do thiếu vốn.
-
Kinh tế Việt Nam
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông
15:28'
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
-
Kinh tế Việt Nam
Sẽ xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với đổi mới sáng tạo
12:45'
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ...
-
Kinh tế Việt Nam
Khởi công và hoàn thành 107 dự án truyền tải điện trong năm 2021
11:08'
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, trong năm 2021, Tổng công ty sẽ khởi công 44 dự án truyền tải điện.
-
Kinh tế Việt Nam
Hệ thống điện thừa dự phòng nhưng vẫn phải huy động nhiệt điện dầu vào cao điểm chiều
09:37'
Năm 2021, hệ thống điện vẫn sẽ tiếp diễn tình trạng thừa dự phòng nhưng có khả năng vẫn phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu DO trong ngắn hạn vào cao điểm chiều (khoảng 18h).
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quảng Bình cần tạo đột phá trong thu hút đầu tư
18:52' - 17/01/2021
Theo Phó Thủ tướng, để đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Bình cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch
14:12' - 17/01/2021
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTG Về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Hội đồng thẩm định).