Trên hải trình yêu thương đến với vùng đảo Tây Nam

10:00' - 10/02/2024
BNEWS "Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu, đã hết giờ ngủ" là hiệu lệnh được nhắc lại 2 lần vào lúc 5h30 mỗi sáng trong hải trình đến với các đảo khu vực vùng biển Tây Nam.
"Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu, đã hết giờ ngủ" là hiệu lệnh được nhắc lại 2 lần vào lúc 5h30 mỗi sáng thực sự gây ấn tượng với chúng tôi trong suốt hải trình đi thăm và chúc tết các chiến sĩ trên các đảo tại vùng biển Tây Nam của tổ quốc.

 
Đoàn công tác đến với các đảo Tây Nam lần này gồm đại diện các tỉnh phía Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mang theo nhiều nhu yếu phẩm và tình cảm... từ đất liền đến với các chiến sỹ đang canh giữ, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.

Ngày thứ nhất, rời đảo Phú Quốc vào lúc 22h đêm, con tàu 924 (Lữ đoàn 127, vùng 5 Hải quân) đưa chúng tôi vượt sóng theo hải trình đến các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc với tổng hành trình khoảng 340 hải lý (tương đương khoảng 630 km).

Tàu rời cảng, cũng là lúc câu hát "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới là đảo xa..." vang lên trong hành lang của con tàu bởi một người trong đoàn. Bài hát đó đã khiến mọi người từ trong các phòng ùa ra ngày một đông, chiếc hành lang của con tàu vốn đã chật hẹp thì đã không còn chỗ đứng.

Từ chỗ xa lạ, nhiều người trong đoàn đến từ mọi miền của tổ quốc lúc này cảm thấy gần nhau hơn, thân thiết hơn qua âm nhạc. Các bài hát về biển đảo quê hương cũng lần lượt vang lên do các "ca sĩ nghiệp dư" thực hiện làm át đi tiếng sóng biển dồn dập va vào con tàu.

Đêm đã khuya, tiếng nhạc cũng dần tắt. Lúc này, mọi người bắt đầu làm quen và giao lưu với các chiến sĩ trên tàu 924. Chính trị viên của tàu 924 - Nguyễn Văn Duẩn chia sẻ: Thông thường, đi biển vào cuối năm thường có gió to, sóng lớn, nhưng chuyến này lại lướt từng cơn sóng một cách êm ái lạ kỳ. Nhiều chiến sĩ trên tàu cũng phải ngạc nhiên vì biển lại dịu êm đến vậy.

Ngày thứ 2, 5h30 sáng, hiệu lệnh "Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu, hết giờ ngủ" lại vang lên. Tuy nhiên, thời điểm này tôi và khá nhiều người đã có mặt trên mũi tàu, nhìn về phía xa là hòn đảo Thổ Chu đang dần hiện ra.

Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 14 km2, cách đảo Phú Quốc khoảng hơn 100 km về phía Tây Nam, cách đất liền hơn 220km về phía Đông. Để lên được đảo Thổ Chu, chúng tôi phải chuyển sang một chiếc ghe của ngư dân.

Xã đảo Thổ Chu (đơn vị hành chính thuộc xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) hiện có hơn 500 hộ dân với gần 1900 nhân khẩu; người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch.

Trên đảo còn có các lực lượng như: Trạm ra đa 610 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải, Đài Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên môi trường, Trung đoàn 152/Quân khu 9, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Lữ đoàn 25 CB/QK9; Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4 đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo.

Tại đây, đoàn công tác đã thăm và tặng quà các chiến sĩ và nhiều đơn vị khác đóng quân trên đảo.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Agribank) chia sẻ, chuyến đi này rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên Agribank tổ chức chuyến đi thăm và tặng quà các chiến sĩ đóng quân trên các đảo tại vùng biển Tây Nam nhân dịp Tết đến Xuân về.

"Hằng năm, Agribank cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm, tặng quà cho các chiến sĩ và bà con nơi đảo xa. Và qua mỗi chuyến đi, cán bộ, đoàn viên thanh niên của Agribank đều nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ chính trị, tôi luyện thêm ý chí phấn đấu; đồng thời chung tay góp phần bảo vệ đất nước, yêu biển đảo quê hương hơn" - bà Phượng nói.

Rời đảo Thổ Chu, tàu 924 tiếp tục đưa chúng tôi đến với đảo Hòn Khoai với chiều dài hơn 100km. Vừa lên tàu, chúng tôi đã được các chiến sĩ trên tàu cảnh báo, chặng này dài nhất và sẽ đi ngược sóng và gió, con tàu sẽ lắc nhiều hơn.

Đúng vậy, khi tàu rời cảng cũng là lúc con tàu bắt đầu lắc lư theo từng đợt sóng. Càng đi xa con tàu ngày càng lắc mạnh hơn, cũng là lúc nhiều người trong đoàn có dấu hiệu say sóng.

Gặp Hà Văn Quyền - một bác sĩ quân y trẻ đi theo đoàn đang ngồi hóng gió cùng nhiều người bên mạn phải của tàu. Quyền chia sẻ: "Em mới nhận công tác tại Đội điều trị, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân được vài tháng. Đây cũng là chuyến đi biển đầu tiên của em..."

Câu chuyện đang rôm rả thì thấy Quyền im lặng với vẻ mặt tái dần đi. Một chiến sĩ trẻ khác ngồi cạnh Quyền nói: "Say sóng rồi anh ạ!".

Không riêng gì Quyền, rất nhiều người khác trong đoàn cũng bị say sóng, bởi đa số mọi người đều lần đầu tiên đi biển. Bản thân tôi cũng thấy trong người lâng lâng, ngả nghiêng theo con tàu.

Bữa tối hôm đó có lẽ là bữa ăn ấn tượng nhất với cả đoàn trong suốt hải trình, bởi mọi người sẽ ngồi ăn tập trung và giao lưu với các chiến sĩ trên sân đỗ máy bay của tàu. "Ngồi ăn giữa biển lại được ngắm bình minh thì thật là chill" - các bạn trẻ trong đoàn phải thốt lên như vậy. Nhưng, càng ngồi trên cao thì độ lắc cua tàu càng mạnh và càng dễ say sóng.

Ngồi ăn được khoảng 15 - 20 phút, câu chuyện với các chiến sĩ về kinh nghiệm đi biển đang rôm rả thì phóng viên Trần Thế Dũng - báo Người lao động bỗng thốt lên: "Ơ, mọi người đâu hết rồi?" Lúc đó, mọi người ngồi cùng mâm mới để ý, thì ra mọi người ngồi xung quanh đã bỏ cả ăn để về phòng nghỉ ngơi vì say sóng.

Tiếp theo hải trình yêu thương ấy, đoàn công tác mang theo sự nồng ấm từ đất liền đến với những người lính biển tiếp theo tại đảo Hòn Chuối. Do địa hình phức tạp, đoàn chúng tôi phải tăng bo 2 lần mới có thể vào được đảo Hòn Chuối. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối nhiều người, nhất là các chị, em trong đoàn.

Thời điểm này, tàu cá đã áp sát mạn trái tàu 924, một chiếc thang sắt dài hơn 2m cũng đã được chuẩn bị cho mọi người leo xuống. Tuy nhiên, khi người đầu tiên chuẩn bị trèo xống thang thì từng cơn sóng to lại ập đến khiến tàu cá liên tục dâng lên rồi lại hạ xuống hơn mét.

Nhận thấy điều kiện sóng to không đảm bảo an toàn cho mọi người, Thủy thủ trưởng Bùi Văn Trình hô to: "Tất cả dừng lại, di chuyển sang mạn phải để xuống tàu".

Ngay sau đó, tàu cá cũng được tháo dây neo để di chuyển sang mạn phải của tàu 924. Ở bên mạn phải, do được chắn gió nên sóng cũng êm ái hơn. Lúc này, từng người, từng người trèo xuống tàu cá một cách an toàn bởi sự chỉ huy sát sao của Bùi Văn Trình.

Khi tàu cá vào đến gần bờ, đã có 2 - 3 chiếc ghe nhỏ chờ sẵn để đón mọi người chuyển sang và đưa vào đảo.

Để lên được trạm ra đa trên đỉnh núi, thử thách tiếp theo với mọi người là phải leo bộ hơn 1km với địa hình trước mắt là con dốc bậc thang dựng ngược (khoảng 200 bậc - theo lời các chiến sĩ trên đảo). Chặng này tiêu hao khá nhiều sức của mọi người, tiếp theo là con đường dốc không kém với độ dài khoảng 300m. 

Sau nhiều nỗ lực và quyết tâm, cuối cùng cả đoàn cũng vượt qua thử thách để về đến đích là trạm ra đa trên đỉnh núi. Tại đây, rất nhiều tâm tư, tình cảm từ đất liền đã được gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Rời Hòn Chuối vào lúc mặt trời sắp lặn, tàu 924 tiếp tục đưa đoàn công tác đi tới các đảo Nam Du, Hòn Đốc lại êm ái như ngày đầu, mọi người cũng đã bắt đầu quen sóng hơn.

Tại mỗi điểm đảo, đoàn đã nghe lãnh đạo địa phương, chỉ huy các trạm ra đa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng ý chí và nghị lực vốn có của người chiến sỹ, các anh luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quyết tâm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nhằm chia sẻ khó khăn với các chiến sĩ, nhân dân trên đảo Tây Nam, chính quyền, nhân dân các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp nhiều năm qua không ngừng giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó đảm bảo cho quá trình sinh hoạt, điều kiện ăn ở trên đảo được cải thiện.

Ở chuyến đi này, nhiều phần quà đã được trao tặng tới các chiến sĩ và nhân dân trên các đảo; trong đó Agribank đã trao gần 800 triệu đồng tặng Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân cùng các đơn vị trực thuộc. 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, bên cạnh trách nhiệm xây dựng và phát triển kinh tế, ngân hàng có nhiệm vụ rất lớn là đồng hành với các lực lượng từ tuyến biên giới đến các hải đảo, trong đó có Trường Sa và vùng biển Tây Nam. 

Hiện Agribank đã và đang hỗ trợ 25.000 phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở vùng biển truyền thống, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, quyền lãnh thổ.

Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ vùng 5 Hải quân: Trong mười năm trở lại đây, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp tổ chức 210 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp..., với hơn 3.500 lượt đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Tây Nam của Tổ quốc.

“Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc” - Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan bày tỏ.

Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm, thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục dành các nguồn lực để thực hiện các chương trình an sinh xã hội giúp cho các địa phương ven biển, nhất là các xã đảo; đồng thời giúp cho các lực lượng đóng quân trên đảo cũng như bà con cải thiện điều kiện sinh hoạt, đầu tư phát triển kinh tế. Qua đó, giúp cho các đảo ngày càng xanh, mạnh... phát triển vững chắc.

Sau 6 ngày vượt sóng, tàu 924 đã cập cảng An Thới an toàn, kết thúc hải trình yêu thương đến với người lính biển. 

Chỉ đến khi tàu cập cảng an toàn, thuyền trưởng Cao Minh Hiếu mới chia sẻ: "Không hiểu sao chuyến này đưa đoàn đi biển lại êm ái đến vậy. Trong chuyến công tác dài 1 tháng em vừa mới đi về thì biển động dữ dội không có đến 1 ngày nào lặng yên. Độ lắc của con tàu lên đến 35 độ, đến lính như tụi em còn không chịu nổi. Phải nói rằng, chuyến đi đoàn mình quá may mắn. Đến khi tàu cập cảng an toàn em mới thở phào nhẹ nhõm".

Cả đoàn rời tàu 924 trong niềm vui vì vừa hoàn thành chuyến đi đầy ý nghĩa, nhiều người trong đoàn cũng có cùng suy nghĩ như tôi "Đi để biết và yêu thương biển đảo quê hương nhiều hơn, và đặc biệt là những người lính biển".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục