Triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm và Tết

08:12' - 15/11/2024
BNEWS Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm hành chính những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.

Nhằm chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.  Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị trong lực lượng phải xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra kiểm soát thị trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Đội Quản lý thị trường.

Hơn nữa, lực lượng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại.

Cùng đó là kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa, các điểm kinh doanh; các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, làng nghề.

Ngoài ra. lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp truyền thông để đưa tin về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm; kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực. Đặc biệt, thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng; kiểm tra những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Trong Kế hoạch cao điểm, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc Tổng cục, nhất là Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố có biên giới đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế cũng như Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong nội địa tăng cường kiểm tra, xử lý các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: đường cát, rượu, bia, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, thực phẩm, gia súc, pháo nổ, pháo hoa các loại....

 

Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường triển khai đến hết ngày 1/3/2025.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện và xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý hơn 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).

Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng quản lý thị trường phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng. Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.

Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.

Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện. Đáng lưu ý, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp.

Trong số các mặt hàng vi phạm, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo ông Trần Hữu Linh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn, kiểm soát các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử cần phải có những giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Đã đến lúc quy định và đối xử với môi trường online như offline, phải định danh được người mua và người bán.

Hiện thực hóa mục tiêu chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an đã ký biên bản ghi nhớ nhằm triển khai có hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo nội dung hợp tác, Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an sẽ chỉ định đơn vị chuyên môn thực hiện việc ứng dụng tem điện tử xác thực và tra cứu, truy vết mã tem trong quản lý lưu thông vào việc chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Hai đơn vị sẽ cùng phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước với thương mại điện tử nói riêng và quản lý lưu thông hàng hoá nói chung. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Cục Công nghiệp An ninh xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực xử lý tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục