Triển khai dự án PPP như thế nào cho hiệu quả?

17:19' - 10/05/2016
BNEWS Theo ông Richard Foster, nguyên Trưởng ban hạ tầng Victoria (Australia), để dự án PPP hiệu quả, trước mắt, cần xem đây có phải là dự án ưu tiên phục vụ xã hội không.
Hội thảo “Hiệu quả đầu tư phương pháp giảm thiểu rủi ro đối với dự án PPP” diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5.Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức hội thảo “Hiệu quả đầu tư phương pháp giảm thiểu rủi ro đối với dự án PPP” nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về việc nâng cao hiệu quả đầu tư, phương pháp giảm thiểu rủi ro cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu cho biết, thời gian qua, việc chuyển đổi từ hình thức đầu tư công truyền thống sang mô hình PPP đã làm thay đổi mạnh mẽ vai trò của cả khu vực công và khu vực tư. Khi đó, cần phải cân bằng giữa hiệu quả kinh tế - xã hội mà một dự án công phải thực hiện với lợi ích kinh tế, thương mại mà dự án đó mang lại cho nhà đầu tư.

"Từ đó, các bên cần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò mới cũng như phải nâng cao các kỹ năng và chuyên môn cụ thể; đặc biệt đối với đánh giá hiệu quả dự án từ đầu tư công truyền thống sang dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân và chia sẻ rủi ro giữa các bên", ông Trương nhấn mạnh.

Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu về vốn đầu tư cho việc phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam là khoảng 40 tỷ USD mỗi năm; trong khi đó, khả năng huy động từ các kênh đầu tư truyền thống chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu này. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với xu hướng giảm dần các nguồn vốn ODA khi bước sang ngưỡng nước có mức thu nhập trung bình thấp nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, PPP là hình thức đầu tư mới nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, quan ngại về việc thiếu hiểu biết và năng lực triển khai. Do đó, việc đào tạo và tăng cường năng lực về PPP, đặc biệt là cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư và giảm thiểu rủi ro khi triển khai dự án PPP, cho các Bộ, ngành, địa phương đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện mô hình này trong thực tiễn.

Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh, để huy động nguồn vốn cần thiết cho phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư được đánh giá là một trong các mô hình hiệu quả, được các Bộ, ngành chỉ đạo sát sao và đưa vào các chương trình hành động của Chính phủ.

Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư, PPP còn đem lại một số lợi ích khác như: chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa nhà nước và tư nhân, tăng cường hiệu quả trong hoạt động và quản lý, dự án được chuẩn bị tốt hơn, tăng tính giải trình và minh bạch trong chi phí đầu tư…

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Ian Hawkesworth, Trưởng ban PPP và vốn ngân sách OECD cho rằng, để các dự án PPP hiệu quả, Việt Nam cần tạo dựng khung thể chế rõ ràng, có thể biết trước và theo quy định của pháp luật; đồng thời, tạo cơ sở cho việc chọn đối tác PPP theo quan điểm nâng cao giá trị vốn đầu tư; sử dụng vốn minh bạch để giảm thiểu rủi ro tài chính.

Còn theo ông Richard Foster, nguyên Trưởng ban hạ tầng Victoria (Australia), để dự án PPP hiệu quả, trước mắt, cần xem dự án nên được triển khai theo hình thức PPP hay hình thức phát triển cơ sở hạ tầng theo kiểu truyền thống. Cuối cùng nên chọn đối tượng đấu thầu trong kinh tế tư nhân ở lĩnh vực nào…

Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cũng đã giới thiệu tổng quan về khung pháp lý về PPP, các dự án PPP tiên phong tại Việt Nam hiện nay; đồng thời, hội thảo cũng được lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm triển khai dự án PPP của OECD, tại một số nước ASEAN, Australia…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục