Triển vọng ảm đạm của thị trường khí hóa lỏng trong năm 2016

15:57' - 19/01/2016
BNEWS Đối lập với đà “lao dốc” của thị trường dầu mỏ, giá khí hóa lỏng tại thị trường châu Á lại khá ổn định trong ba tháng qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự ổn định này sẽ không thể kéo dài.
Triển vọng ảm đạm của thị trường khí hóa lỏng trong năm 2016. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Giá khí hóa lỏng giao ngay tại châu Á chốt tuần trước ở mức 5,6 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh, chỉ thấp hơn khoảng 28% so với mức “đỉnh” 7,8 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 28/11/2015. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc đã mất 46% kể từ đầu tháng 10/2015 và hiện giao dịch ở mức dưới 28 USD/thùng.

Tuy nhiên, diễn biến tích cực của thị trường khí hóa lỏng nhiều khả năng sẽ không thể duy trì trong dài hạn, bởi nếu tính từ tháng 2/2014, khi giá mặt hàng nhiên liệu này đạt mức cao nhất mọi thời đại là 20,50 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh, giá khí hóa lỏng đã giảm 68%. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng giảm 75% kể từ mức “đỉnh” xác lập trong phiên giao dịch 19/6/2014.

Cả hai thị trường này đều đang chật vật chống chọi với tình trạng dôi dư nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ yếu kém. Đáng chú ý là quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia vẫn từ chối cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường.

Ngoài ra, khả năng sẽ có ít nhất 500.000 thùng dầu được tung thêm vào thị trường mỗi ngày khi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran sắp được đẩy mạnh sau khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran, càng tạo thêm áp lực cho thị trường năng lượng.

Triển vọng của thị trường khí hóa lỏng trong năm 2016 cũng vẫn ảm đạm, nếu không muốn nói là còn tồi tệ hơn so với thị trường dầu thô. Tình trạng dư cung LNG, đặc biệt là tại châu Á, dự kiến sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong vài tháng tới, nhất là khi các dự án sản xuất LNG mới sẽ được khởi động tại Australia.

Dự án Pacific khí hóa lỏng tại Australia, do hai tập đoàn năng lượng lớn là ConocoPhillips và Origin Energy đồng sở hữu, với công suất dự kiến 9 triệu tấn/năm, đã chuyển giao chuyến hàng đầu tiên vào ngày 9/1 vừa qua.

Đây là dự án khí hóa lỏng thứ ba được xuất khẩu từ bang Queensland của Australia trong năm 2015. Không chỉ riêng “xứ sở Chuột túi”, lượng xuất khẩu LNG từ Mỹ được dự báo cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới, khiến nguồn cung loại nhiên liệu này càng trở nên dồi dào trên thị trường toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục