Trung tâm cơ giới hóa Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy sản xuất quy mô lớn

15:04' - 25/08/2022
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo tham vấn "Xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Hội thảo là hoạt động trong chuỗi sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 (Xúc tiến và trình diễn khoa học và công nghệ để chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp bền vững) diễn ra tại thành phố Cần Thơ từ ngày 24-26/8.

 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. 

Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện nay, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng nông lâm, thủy sản còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.

Để phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tốt hơn và hiện đại hơn, thông qua hội thảo tham vấn lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn thành lập Trung tâm cơ giới hóa phải đồng bộ, cả về thiết bị, kỹ thuật và kiểm định máy móc…từ đó làm động lực triển khai cơ giới hóa đồng bộ không những ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn tiến tới mục tiêu thành lập nhiều hơn nữa các Trung tâm cơ giới hóa ở khắp cả nước.

Tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam đưa ra 4 đề xuất liên quan đến việc thành lập Trung tâm cơ giới hóa Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là: Trung tâm cơ giới hóa là nơi hỗ trợ, đào tạo và huấn luyện, chuyển giao công nghệ máy móc cho người sử dụng cơ giới hóa là nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác để họ hiểu máy móc nào phù hợp để sử dụng trên đồng ruộng, ao tôm, vườn cây ăn trái...

Khi Trung tâm cơ giới hóa ra đời sẽ trở thành nơi chế tạo máy động lực và các loại máy hiện đại để tạo ra chuỗi liên hoàn từ đó có gắn với doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ cơ chế của nhà nước.

Bên cạnh đó, Trung tâm cơ giới hóa này có nhiệm vụ chuyển giao dịch vụ, khoa học công nghệ về cơ khí cho nông dân. Nông dân cần sửa chữa máy móc có thể mang đến Trung sửa chữa và Trung tâm là nơi kiểm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình cơ giới hóa, an toàn lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới; thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản.

Hiện tại thành phố Cần Thơ có 78.000 ha sản xuất lúa và 23.000 ha cây ăn trái; trong đó, khâu sản xuất lúa đạt 100% cơ giới hóa ở các khâu làm đất, thu hoạch lúa và bơm tác…còn lại các khâu cơ giới hóa khác đạt trên 50%.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp chủ đạo của cả nước, cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay phát triển khá mạnh.

Đối với cây lúa, khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo sạ và cấy đạt 75%, khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, khâu thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%... Cây ăn trái, khâu làm đất (vun luống, xẻ rãnh, xới đất) đạt tỷ lệ trên 90%, khâu chăm sóc (tưới, thuốc bảo vệ thực vật) đạt 60 - 70%, khâu thu hoạch chủ yếu làm thủ công. Đối với nuôi trồng thuỷ sản: Các máy móc cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi.

Một số địa phương trong vùng đã áp dụng hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ sản xuất lúa (mô hình 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu), gieo hạt, phun phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay siêu nhẹ (drone). Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 80% so với cả nước.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan chuyên môn đồng tình quan điểm trong dự thảo Nghị định về việc xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hút, tập hợp các doanh nghiệp đầu tàu, các hợp tác xã điển hình để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đặc thù của Trung tâm về tổ chức hoạt động và dịch vụ cơ giới hóa...

Ông Nguyễn Thể Hà, đại diện Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cho rằng, với 1,7 triệu ha đất canh tác lúa, sản lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn năm thì giá trị xuất khẩu từ 3 – 4 tỷ USD là ngưỡng khó vượt qua. Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản với diện tích chỉ bằng một phần ba so với trồng lúa nhưng xuất khẩu có khả năng vượt 10 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Hà, tiềm năng nuôi trồng thủy sản trong đồng bằng, nội thủy, ven biển và xa bờ còn rất lớn, có khả năng mở rộng diện tích và năng suất bằng cơ giới hóa và công nghệ chế biến tiên tiến.

Do đó, tỉnh cần tập trung nguồn lực khoa học công nghệ, nhân lực và tiền vốn đầu tư phát triển ngành thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao là bước tiếp theo của trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long song song với phát triển ngành cây ăn quả và chăn nuôi khác; đồng thời, tận dụng năng lượng nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Đồng tình với chủ trương xây dựng Trung tâm cơ giới hóa Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các chức năng chính của mô hình trung tâm có thể gồm: chức năng giới thiệu sản phẩm để giới thiệu và trình diễn sản phẩm máy móc, thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó thúc đẩy, kết nối nhà sản xuất với người mua.

Cùng với đó, là chức năng giao dịch nhằm xúc tiến hoạt động bán hàng đến người tiêu dùng, dịch vụ sau bán hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, sửa chữa, bảo dưỡng sản phẩm định kỳ, cung cấp thiết bị, linh kiện thay thế cho khách hàng...

Thông qua trung tâm, có thể thu thập thông tin, nghiên cứu về thực trạng, nhu cầu và yêu cầu về sản phẩm máy móc, thiết bị dùng trong sản xuất, bao quản, chế biến nông lâm thủy sản. Qua đó, cung cấp nguồn thông tin thực tế, chính xác cho công tác hoạch định chiến lược phát triển của Chính phủ và các nhà sản xuất./.  

>>>Đồng bộ cơ giới hóa hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục