Truy xuất nguồn gốc thịt lợn - Bài 1: "Thông" siêu thị, "tắc" chợ đầu mối

14:57' - 05/08/2017
BNEWS Thông tin nhân diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại các chợ đầu mối rất thấp.

Mặc dù nhận được sự đồng thuận của các địa phương khu vực phía Nam, tham gia của người chăn nuôi và hưởng tích cực của người tiêu dùng, nhưng do "ách tắc" khâu liên kết vùng nên "Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" (Đề án) của Tp. Hồ Chí Minh đang gặp những thách thức không nhỏ.

Trong khi cơ quan quản lý vẫn "lúng túng" đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thì sản phẩm thịt lợn không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc vẫn được nhập vào thị trường thành phố qua kênh chợ truyền thống và phân phối ra các điểm bán lẻ.

Siêu thị đảm bảo truy xuất sản phẩm

"Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" được Tp. Hồ Chí Minh chính thức triển khai từ tháng 12/2016, tại các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn và đạt được kết quả tích cực. Tiếp đó, từ 31/7/2017, Đề án bắt đầu thực hiện ở mạng lưới bán lẻ gồm các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và cơ sở giết mổ nhưng hiện đang vướng phải nhiều rào cản. 

Việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại các chợ đầu mối còn thấp. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Theo báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, qua 6 tháng triển khai Đề án, đã thu hút sự tham gia của 1.280 cơ sở chăn nuôi, 25 cơ sở giết mổ. Đồng thời, tổng số cơ sở kinh doanh thực hiện truy xuất nguồn gốc đạt 838 siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh và 146 gian hàng kinh doanh thịt lợn Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).

Hiện tại kênh phân phối hiện đại gồm trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cung ứng ra thị trường thành phố khoảng 1.200 con lợn mỗi ngày, chiếm khoảng 15% thị phần. Đáng chú ý, kể từ ngày 16/12/2016 đến nay, tất cả sản phẩm thịt lợn kinh doanh tại kênh phân phối hiện đại đều đảm bảo 100% có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể, sản phẩm thịt lợn được bán lẻ đến tay người tiêu dùng thông qua nhiều nhà bán lẻ có mạng lưới rộng khắp địa bàn thành phố như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeon - Citimart, Queenland...

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op, các sản phẩm thịt lợn được kinh doanh ở đây đều đảm bảo có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Do đó, người tiêu dùng mua sắm và nhận sản phẩm đều được nhân viên đứng quầy hàng dán tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Hay tại hệ thống chuỗi cửa hàng của Vissan, tất cả những sản phẩm thịt lợn được bán cho người tiêu dùng bất kể trọng lượng bao nhiêu cũng được thực hiện nghiêm túc việc dán tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc.

Chị Lưu Vy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, cho hay: Kể từ dịp Tết Nguyên đán năm 2017 đến nay, khi mua sắm và tiêu dùng thịt lợn gia đình đã chú trọng kiểm tra sản phẩm xem có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc không. Theo đó, nếu mua thịt lợn ở các kênh bán lẻ hiện đại thì sản phẩm luôn bảo đảm có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ngay tại các quầy hàng còn có trang bị thiết bị kiểm tra thông tin và bảng hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã mua.

"Riêng tại các chợ truyền thống và nhiều điểm bán lẻ khác thì chưa thấy có dán tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Theo các tiểu thương, việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn chưa được áp dụng và phổ biến ở chợ", chị Lưu Vy cho biết.

Thiếu thông tin nhận diện tại chợ

Với những thành công đạt được tại kênh phân phối hiện đại, kể từ ngày 31/7/2017, Đề án này được các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh chính thức triển khai tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Để thực giai đoạn này của Đề án, trước đó các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh, cụ thể là Sở Công Thương và Tổ công tác của Đề án của thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến và tập huấn cho người nông dân, chủ trang trại, thành viên Hợp tác xã... ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam có cung ứng mặt hàng thịt lợn vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trong đó, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã chính thức ký kết hợp tác triển khai công tác nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên triển khai Đề án tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đã không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ lợn có thể kích hoạt thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn và một số cơ sở giết mổ trên địa bàn có tỷ lệ rất thấp và chỉ dao động ở mức từ 9 - 37% trên tổng số lượng lợn nhập vào Tp. Hồ Chí Minh thông qua các kênh này.

Ngoài ra, tình hình chung được ghi nhận tại chợ đầu mối nông sản và cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố là các thương nhân, tiểu thương kinh doanh vẫn chưa tự giác và còn tâm lý "chờ đợi" Tp. Hồ Chí Minh có quyết liệt thực hiện Đề án hay không. Những vi phạm phổ biến có thể kể đến là có gắn vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc, nhưng không có thông tin; phương tiện chuyên chở và vận chuyển không được niêm phong...

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện các tỉnh, thành phố tham gia Đề án này cho biết, công tác phối hợp với Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Đề án gặp phải những khó khăn do các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ chưa quen với việc sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc nên việc cập nhật thông tin còn hạn chế.

Ngoài ra, xuất hiện tình trạng khi bắt đầu chính thức triển khai Đề án trong thực tế, một số đơn vị chăn nuôi gặp khó khăn do chưa biết cách đeo vòng cho lợn nên chấp nhận để thương lái thực hiện việc này.

Trước tình hình đó, để đảm bảo giữ ổn định thị trường, ngành chức năng Tp. Hồ Chí Minh "bắt buộc" vẫn phải cho lợn không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc nhập hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn và một số cơ sở giết mổ, đồng thời phân phối về các chợ bán lẻ trên địa bàn./.

>>> Truy xuất nguồn gốc thịt lợn - Bài 2: Lúng túng giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục