Từ 1/7, chế độ tiền lương của Giáo viên sẽ thay đổi như thế nào?

15:34' - 07/03/2024
BNEWS Mức lương giáo viên dự kiến sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương từ 1/7/2024.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vào ngày 10/11/2023.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Từ 1/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào 02 bảng lương mới sau đây:

- Xây dựng 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm).

- Xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Một trong các yếu tố cụ thể để xác định thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương.

 

Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Theo đó, mức lương thấp nhất của viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp (hệ số lương 1,86 hiện nay).

Mức lương trung bình của viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng (hệ số lương 2,34).

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt 18 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Như vậy dự kiến từ 1/7/2024, tiền lương trung bình của viên chức là giáo viên (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Riêng giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% từ 1/7/2024 ) và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.

Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn, giáo viên hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ. Sẽ có 3 trường hợp xảy ra với việc hưởng lương theo hạng hiện nay của giáo viên.

Trường hợp 1: Nếu địa phương nào đã hoàn tất bổ nhiệm, chuyển xếp hạng từ chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:

Giáo viên mầm non được chia thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp có hệ số lương tương ứng như sau: Giáo viên mầm non hạng III (hệ số lương 2,1-4,89), giáo viên mầm non hạng II (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên mầm non hạng I (hệ số lương 4,0-6,38).

Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Những trường hợp này giáo viên hạng I, II sẽ có nhiều lợi thế khi chuyển xếp lương từ lương hiện hưởng sang bảng lương cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

Trường hợp 2: Nếu các địa phương hoàn tất bổ nhiệm hạng III (mầm non, phổ thông), hạng II (mầm non) từ chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), các hạng còn lại vẫn hưởng theo lương của chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:

Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98.

Giáo viên phổ thông hạng III có hệ số lương 2,34-4,98.

Các hạng còn lại hưởng theo hạng của Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (tạm gọi là hạng cũ), giáo viên mầm non hạng I cũ có hệ số lương 2,34-4,98; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38; giáo viên trung học phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Trường hợp 2 này phổ biến hơn, nhiều địa phương chỉ chuyển xếp lương từ các hạng cũ sang hạng III mới, các hạng còn lại vẫn chưa thực hiện chuyển xếp.

Trường hợp 3: Chưa chuyển xếp lương mới, giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

Giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV cũ có hệ số lương 1,86-4,06; hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98.

Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38.

Giáo viên phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).

Trường hợp 3 này rất ít, chỉ vướng mắc ở một số địa phương do vướng quy định tiêu chuẩn còn chưa thống nhất.

Như vậy, lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên từ 1/7/2024, theo mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao công sức của người lao động trong ngành Giáo dục. Mức tăng lương hơn 32% không chỉ cải thiện đời sống của giáo viên mà còn tạo động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục cống hiến và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên thuộc diện viên chức cũng sẽ được hưởng 08 khoản phụ cấp, cụ thể như sau:

1. Phụ cấp kiêm nhiệm;

2. Phụ cấp thâm niên vượt khung;

3. Phụ cấp khu vực;

4. Phụ cấp trách nhiệm công việc;

5. Phụ cấp lưu động;

6. Phụ cấp ưu đãi theo nghề;

7. Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

8. Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục