“Tuần trăng mật” mới trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên

05:30' - 30/06/2018
BNEWS Chỉ một tuần sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa đến thăm Trung Quốc đã kéo theo sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông Hàn Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc lần này thu được ba lợi ích lớn.

Trước tiên là cho bên ngoài thấy được “tuần trăng mật Trung – Triều” xưa nay chưa từng có; Thứ hai là Triều Tiên thoát khỏi hình ảnh của một quốc gia khép kín; Thứ ba là Triều Tiên có được những người ủng hộ về vấn đề hợp tác kinh tế.
Tờ “Nhật báo Triều Tiên” (Chosun Ilbo) của Hàn Quốc đưa tin, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 19/6 vừa qua, ông Kim Jong-un đã dùng từ “người một nhà” để nói về quan hệ Trung – Triều, cũng như khẳng định ông “muốn cùng với các đồng chí Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong một ban tham mưu”. Ông nhấn mạnh, quan hệ Trung – Triều là mối quan hệ đặc biệt chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Về vấn đề này, một quan chức cấp cao Triều Tiên khẳng định, người Triều Tiên nói đảng Lao động Triều Tiên là một ban tham mưu của Cách mạng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng từ “một ban tham mưu” có nghĩa là đảng Lao động Triều Tiên muốn cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc chung một hành động như trong cùng một chính đảng.

Nhằm đối phó với liên minh Hàn – Mỹ, ông Kim hy vọng tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai đảng cầm quyền của Trung Quốc và Triều Tiên, xây dựng quan hệ Trung – Triều ngang tầm với liên minh Hàn – Mỹ. 
Nhà nghiên cứu Houng Min của Viện Nghiên cứu Thống nhất hai miền Triều Tiên chỉ rõ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong-hae được coi là quan chức số hai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Lần này ông được đưa vào danh sách đoàn tháp tùng Triều Tiên đến thăm Trung Quốc, có nghĩa là quan hệ giữa Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được khôi phục hoàn toàn.
Đáng chú ý, ông Kim Jong-un đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách dùng từ khi nói về quan hệ Trung – Triều. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 3/2018, ông nói “quan hệ Trung – Triều cần củng cố và phát triển lên một tầm cao mới”.

Trong chuyến thăm thứ hai đến Trung Quốc hồi tháng 5/2018, ông nói: “Triều Tiên muốn cùng với các đồng chí Trung Quốc bắt tay nhau cùng đi lên phía trước. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này ông nói: “Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Cộng sản Trung Quốc là cùng một ban tham mưu, người một nhà”. Có thể thấy quan hệ Trung - Triều đang ở thời điểm “tuần trăng mật”.
Các nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong-un đã có những phát biểu thân thiện với Trung Quốc, ý đồ là rất rõ ràng, Triều Tiên hy vọng sau khi gần gũi Trung Quốc sẽ chiếm được lợi thế trong việc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa, đồng thời cùng với Trung Quốc trao đổi về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Triều Tiên.
Giáo sư Koh Yoo-hwan của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng dù Triều Tiên giải trừ chương trình hạt nhân của mình, cũng không thể dựa vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Đối với Triều Tiên, họ cần sự bảo đảm và cam kết an ninh của Trung Quốc. Thông qua chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần này, một lần nữa xác nhận Trung Quốc chính là chỗ dựa lớn của Bình Nhưỡng.
Báo “Kinh tế châu Á” của Hàn Quốc chỉ rõ, Trung Quốc nhanh chóng đưa tin về chuyến thăm lần này của Kim Jong-un, giúp Triều Tiên thành công trong việc thoát khỏi hình ảnh của “một quốc gia khép kín”. Thông qua hình thức ngoại giao minh bạch, Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên sự đãi ngộ của một “quốc gia bình thường” và nâng cao hình ảnh quốc gia của Triều Tiên.
Ngoài ra, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc giành được sự hỗ trợ về hợp tác kinh tế, đây cũng là một lợi ích lớn. Ngày cuối cùng trong chuyến thăm, ông Kim đã đến thăm các cơ quan liên quan đến giao thông đường ray, cho thấy ông đang tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế thương mại Trung – Triều. 
Trong bối cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng ở Triều Tiên, nếu Liên hợp quốc bắt đầu nới lỏng một phần lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nông nghiệp có thể nói là lĩnh vực hợp tác được ưu tiên hàng đầu giữa Trung – Triều. Ông Kim Jong-un thị sát các cơ quan liên quan đến vận tải đường ray, cũng cho thấy ông mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Trung - Triều dường như có khác biệt về vấn đề “cải cách mở cửa”. Phát biểu trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ngày 19/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Năm nay là kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhân dân Trung Quốc dựa trên điều kiện thực tế của đất nước, phóng tầm mắt nhìn ra thế giới, can đảm tự cách mạng, tự đổi mới, tìm tòi một con đường phát triển phù hợp với điều kiện đất nước. Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh, ủng hộ Triều Tiên đi trên con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước”. Nhưng truyền thông Triều Tiên đã không đăng phát bài phát biểu này.
Tờ “Nhật báo Triều Tiên” phân tích rằng, điều này cũng tương tự như khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đến thăm Trung Quốc hồi tháng 5/2010. Tại thời điểm đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói với ông Kim Jong-il rằng “hy vọng được giới thiệu kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc”. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Triều Tiên khi đưa tin đã cắt bỏ nội dung này.
Một quan chức Triều Tiên giấu tên cho biết: “Khi đó, ông Kim Jong-il cảm thấy không hài lòng về phát biểu của ông Ôn Gia Bảo, nên đã trở về Bình Nhưỡng sớm hơn so với dự kiến”. Hai lần thăm Trung Quốc sau đó, tình huống tương tự cũng tái diễn.

Một cựu quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên hễ nghe thấy câu cải cách mở cửa lại ‘lạnh cóng’, bởi vì rõ ràng là thể chế độc tài cha truyền con nối nhà họ Kim có thể bị sụp đổ”. Được biết, Triều Tiên không cho phép sử dụng thuật ngữ “cải cách mở cửa”, chỉ có thể nói là “mở cửa kinh tế”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục