Tương lai cho minh bạch hóa thị trường

09:05' - 07/04/2025
BNEWS Trước nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm ngày càng cao, việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc đã trở thành một xu thế không thể thiếu nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Trước nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm ngày càng cao, việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc đã trở thành một xu thế không thể thiếu nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trước mắt cần giải quyết khó khăn và thách thức hiện tại, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, hiệu quả và bền vững.

 

Theo các chuyên gia thương mại, gần đây nhu cầu truy xuất nguồn gốc trở nên mạnh mẽ bởi những sự cố liên quan đến hàng giả, hàng nhái và sản phẩm kém chất lượng đã làm gia tăng sự lo ngại của người tiêu dùng. Điều này tạo ra sức ép lớn với doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu và duy trì lòng tin của khách hàng.

Chính vì vậy, khi người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm, họ có thể yên tâm hơn về chất lượng và xuất xứ. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng phát hiện sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng, từ đó bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của mình. Điều này tạo ra một thị trường lành mạnh và thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Là một người tiêu dùng, chị Bùi Thị Cúc (Long Biên- Hà Nội) chia sẻ, hiện nay nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang. Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho gia đình, chị thường xuyên lựa chọn những địa chỉ uy tín để mua sắm, có tem mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Minh (Trường Chinh- Hà Nội) chia sẻ rằng gia đình cũng thường xuyên mua hàng tại các siêu thị để nắm bắt được nguồn gốc của từng sản phẩm. Mỗi lần mua sắm, gia đình thường quét mã QR Code, quét tem mác để mua đúng giá hàng hoá, tìm ra sản phẩm chất lượng và doanh nghiệp uy tín.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay: Trong thời đại số hóa, việc mua sắm không chỉ đơn giản là lựa chọn sản phẩm cần mà còn là sự tìm hiểu và xác thực để bảo đảm mua đúng sản phẩm chính hãng. Do đó, bằng cách kiểm tra mã QR, khách hàng có thể xác thực nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm, tránh được những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, mã QR còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng hơn việc quản lý, chống nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường.

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: Để tham gia vào hệ thống MM Mega Market, hàng hóa luôn phải qua khâu kiểm duyệt rất chặt chẽ thông qua bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Các mặt hàng tươi sống được sản xuất theo quy chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Cùng với đó, thông tin sản phẩm cũng được đảm bảo minh bạch. 

Các sản phẩm thương hiệu We are fresh của MM Mega Market có mã QR trên mỗi bao bì, khách hàng có thể dùng điện thoại thông minh scan mã để thấy được thông tin sản phẩm. Vì vậy, từ bó rau được bày bán trong siêu thị, khách hàng có thể nhìn được sản phẩm do trang trại nào trồng, thu hoạch và đóng gói ngày nào.

Ông Phan Thế Thắng - Phó trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay: Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng năm 2023 đã quy định đơn vị kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng thông tin cũng như đánh giá của người tiêu dùng với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, khi một tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng một bên thứ ba để cung cấp thông tin bên thứ ba cũng phải có chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin này. 

Theo ông Bùi Bá Chính - quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (đơn vị được Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia giao xây dựng, vận hành cổng), Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia đi vào vận hành là bước đi quan trọng trong quá trình nâng cao tính minh bạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường. Thời gian tới, việc triển khai, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, giúp truy xuất nguồn gốc thực sự trở thành công cụ hữu ích trong quản lý sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.

Là đơn vị tham kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc qua Cổng thông tin, bà Đinh Thị Loan - Quản lý Hợp tác xã Dược Liệu Đông Sơn (Ninh Bình) chỉ rõ: Từ khi được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa của hợp tác xã được người tiêu dùng biết và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hơn. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin truy xuất nguồn gốc cũng giúp giảm nguy cơ hàng hoá của hợp tác xã bị làm giả.

Đặc biệt, người tiêu dùng hoàn toàn có thể xem được quy trình sản xuất sản phẩm từ công đoạn chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói sản phẩm, từ đó yên tâm khi sử dụng sản phẩm của hợp tác xã.

Mới đây, Cục Đổi mới sáng tạo Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) đã đề xuất xây dựng Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, tiến độ hoàn thành tháng 12/2025. 

Cụ thể, Vụ đề xuất 8 nhóm sản phẩm bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Cụ thể gồm bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Bên cạnh đó, Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://votas.vn/. Hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, cơ sở dữ liệu, ứng dụng cập nhật thông tin sản phẩm hàng hóa vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm gồm thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối... 

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng và đang triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại tại https://itrace247.com. Tới đây, iTrace247 sẽ được nâng cấp phiên bản áp dụng công nghệ chuỗi khối mang tính minh bạch hơn để đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục