Tương lai của giá gạo trước những mối đe dọa liên quan đến khí hậu

05:30' - 24/09/2023
BNEWS Theo các chuyên gia, việc giá gạo hiện tăng lên mức cao nhất kể từ 15 năm qua đã báo trước cách mà biến đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn nguồn cung lương thực của thế giới.

Nhật báo Le Monde (Pháp) cảnh báo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể gia tăng do El Niño, một hiện tượng thời tiết tự nhiên kéo dài từ 9 đến 12 tháng và dự kiến sẽ mạnh lên vào cuối năm nay, sẽ có tác động tiêu cực vào giá lương thực, trong đó đặc biệt là giá gạo.

Theo các chuyên gia, giá gạo hiện tăng lên mức cao nhất kể từ 15 năm qua, sau những hạn chế do Ấn Độ áp đặt đối với xuất khẩu loại ngũ cốc này, báo trước cách mà biến đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn nguồn cung lương thực của thế giới.

Tuần trước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá gạo đã tăng gần 10% trong tháng Tám, trong khi các mặt hàng khác sụt giảm. Theo giải thích của FAO, nguyên nhân không phải do lượng dự trữ sụt giảm, bởi vì "dự trữ gạo toàn cầu vào cuối mùa vụ 2023-2024 dự kiến vẫn đạt mức cao kỷ lục" sau khi tăng 1,4%/năm so với giai đoạn 2022-2023. Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ gần 3/4 khối lượng này.

Nguyên nhân của sự gia tăng giá gạo là do những thay đổi chính sách của Ấn Độ. Hiện nước này cung cấp 40% gạo thương mại toàn cầu. Gạo Ấn Độ được xuất khẩu sang châu Phi, châu Á và Trung Đông, nổi bật là Senegal, Nigeria, Ivory Coast, Benin, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

 

Vào tháng Bảy vừa qua, New Delhi đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati (khoảng 1/4 lượng gạo xuất khẩu thông thường), nhằm bảo đảm dự trữ sản phẩm này cho người dân tiêu dùng và hạn chế lạm phát trong nội địa thị trường. Nước này cũng đã nâng thuế xuất khẩu lên 20% đối với gạo hấp, đồng thời xem xét việc giảm thuế hải quan đối với lúa mỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu loại ngũ cốc này.

Do những hạn chế mà nước này áp đặt, có tới 8% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu trong năm 2023/24 hiện có thể đã bị loại khỏi thị trường, theo phân tích của BMI, một bộ phần của cơ quan xếp hạng Fitch.

Các quyết đinh của Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, đã chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa". Giá gạo thế giới do đó đã “tăng 30% so với cùng kỳ năm trước” vào cuối tháng 7/2023, Patricio Mendez del Villar, chuyên gia lúa gạo và nhà kinh tế tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế về phát triển nông nghiệp giải thích.

New Delhi lý giải cho các hành động này của mình là để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước nguy cơ hiện tượng khí hậu El Niño và “điều kiện thời tiết khắc nghiệt” có thể khiến mùa màng thất bát, dẫn đến giá gạo trên thị trường nội địa tăng vọt.

Năm nay được dự đoán sẽ là năm nóng nhất mà nhân loại từng trải qua, và tác động của hiện tượng El Niño theo mùa có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bất chấp lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều vùng phía Bắc Ấn Độ, tháng Tám năm nay là tháng nóng nhất và khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này. Gió mùa, dù mang lại tới 80% lượng mưa hàng năm của cả nước, vẫn thấp hơn nhiều so với bình thường.

Nhưng hạn hán đi kèm với El Niño có thể đe dọa mùa màng, chuyên gia Elyssa Kaur Ludher, thuộc chương trình biến đổi khí hậu Đông Nam Á tại Viện Iseas-Yusof Ishak, lo lắng. Bà cảnh báo: "Tôi nghĩ cuối năm nay và đặc biệt là đầu năm sau sẽ rất, rất khó khăn".

El Niño, một hiện tượng thời tiết tự nhiên, thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng và dự kiến sẽ mạnh lên vào cuối năm nay. Theo BMI, ngay cả trước khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế, tác động của nó đã đẩy giá xuất khẩu gạo tăng cao.

Tại Thái Lan, lượng mưa hiện thấp hơn 18% so với dự báo trong giai đoạn này, Cơ quan quốc gia về tài nguyên nước cho biết vào tháng 9, mưa muộn vẫn có thể bù đắp sự thiếu hụt nước, nhưng cơ quan này cho biết họ "lo ngại" về hạn hán do El Niño gây ra.

FAO cho biết, trong khi chờ đợi vụ thu hoạch mới, thị trường gạo thế giới đã trở nên căng thẳng do phải đối mặt với những bất ổn do các quyết định mà Ấn Độ đưa ra, đồng thời lo ngại về hậu quả của El Niño.

Charles Hart, chuyên gia phân tích nguyên liệu nông nghiệp tại Fitch Solutions, tình hình này sẽ có khả năng làm cạn kiệt lượng hàng dự trữ được bổ sung sau đại dịch COVID-19 và khuyến khích các nhà nhập khẩu tìm kiếm các thỏa thuận mới cũng như áp đặt các giới hạn tại địa phương. 

Cơ quan nông lương của Liên Hợp Quốc cũng cho biết nhiều quốc gia và chủ thể đã chọn giải pháp “găm hàng”, “đàm phán lại hợp đồng” hoặc “ngưng đưa ra giá”. Cụ thể là Philippines, nước nhập khẩu lớn, vừa ký thỏa thuận với Việt Nam nhằm ổn định nguồn cung trong 5 năm tới.

Biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất, khiến sản lượng nông nghiệp giảm khi nhiệt độ tăng, nhưng nó cũng làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan như lũ lụt năm 2022 ở Pakistan. Charles Hart cho biết thêm: "Các thị trường xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu tương đối tập trung, cũng như loại rủi ro thời tiết cực đoan này tập trung ở một số thị trường".

Avantika Goswami, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Trung tâm Khoa học và Môi trường, cho biết ở Ấn Độ, chính quyền cần phát triển hệ thống cảnh báo tốt hơn và các mô hình trồng trọt mới để thích ứng với thời tiết khắc nghiệt vốn đang trở thành "điều thường ngày xảy ra"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục