BNEWS
Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, chiều 31/5, tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhân dịp này, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản. Trong thời gian chuyến thăm từ ngày 29/5 - 02/6, Nhà Vua và Hoàng Hậu đã long trọng tổ chức Lễ đón và Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Ngài Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam và đi thăm tỉnh Gunma.
Ngày 31 tháng 5 năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản và tuyên bố thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước như sau:
1. Hai nhà lãnh đạo cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự kiện chính trị rất quan trọng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo khẳng định việc thực hiện thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tăng cường liên kết thông qua việc mở rộng thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, khoa học - kỹ thuật, xây dựng, kỹ thuật thông tin truyền thông, y tế, sức khỏe; thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân. Hai nhà lãnh đạo hài lòng về việc tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc, cho rằng đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
2. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu phát triển rực rỡ của hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong 45 năm qua, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Theo đó, hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy liên kết kinh tế, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo quyết định tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và khuyến khích trao đổi giữa các chính đảng, nghị sỹ Quốc hội hai nước kể cả tại các cơ chế đa phương, tiếp tục thực hiện hiệu quả các khuôn khổ tham vấn hiện có như Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.
3. Nhận thức rằng Nhật Bản và Việt Nam là các quốc gia biển được hưởng những lợi ích vô giá từ đại dương, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm phối hợp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực thông qua việc duy trì và củng cố một trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.
4. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm lấy WTO là trung tâm và nhấn mạnh ý nghĩa của hệ thống thương mại song phương phù hợp với Hiệp định WTO.
Về quốc phòng và an ninh 5. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên Biên bản hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản ký tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản ký tháng 4/2018 giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
6. Hai nhà lãnh đạo quyết định tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua xử lý bom mìn còn sót lại và hỗ trợ nạn nhân dioxin, bom mìn tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục xem xét khả năng hợp tác trong lĩnh vực tẩy độc dioxin.
7. Hai nhà lãnh đạo khẳng định ý định tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh lương thực và nguồn nước.
8. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển thông qua các chuyến thăm của tàu Cục Bảo an trên biển Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ ý định của Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các tàu đã qua sử dụng và tàu tuần tra đóng mới. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chính sách biển tổng thể trên cơ sở đề nghị cụ thể của phía Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế 9. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong chính sách Đổi mới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những thành quả kinh tế của Nhật Bản thông qua chính sách kinh tế Abenomics. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng chiến lược tăng trưởng của mỗi nước thông qua gắn kết với thúc đẩy hệ thống thương mại tự do sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế trong và ngoài khu vực.
10. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của viện trợ phát triển chính thức Nhật Bản, các dự án đối tác công tư và doanh nghiệp Nhật Bản cho sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục thực hiện hiệu quả và thuận lợi hợp tác phát triển giữa hai nước trên cơ sở bảo đảm lợi ích và phù hợp với nhu cầu của hai bên. Hai nhà lãnh đạo quyết định thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận và hợp tác để giải quyết các vướng mắc trong một số dự án của Nhật Bản tại Việt Nam.
11. Hướng tới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và tăng cường liên kết trong và ngoài khu vực, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tính mở, minh bạch, hiệu quả kinh tế, lành mạnh tài chính của nước tiếp nhận, có tính đến các tác động xã hội và môi trường. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như phát triển đường sắt. Chủ tịch Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các lĩnh vực như sân bay, đường bộ và phát triển đô thị; cam kết nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó góp phần tăng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
12. Hai nhà lãnh đạo khẳng định, thông qua “Sáng kiến chung Việt - Nhật” và “Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng”, Việt Nam sẽ nâng cao tính ổn định và minh bạch về luật pháp của môi trường đầu tư, bao gồm thực hiện hợp lý các ưu đãi đầu tư đã cam kết, xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp liên quan một cách thích hợp và hiệu quả phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp định WTO. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về tăng cường quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ý định nghiên cứu khả năng bắt đầu đàm phán hiệp định bảo hiểm xã hội song phương nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế.
13. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi thương mại và đầu tư song phương vào năm 2020 so với năm 2014.
14. Hai nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam và Nhật Bản sẽ đẩy nhanh thủ tục thiết lập các điều kiện kiểm dịch sửa đổi đối với táo tươi của Nhật Bản và cho phép xuất khẩu cam Satsuma quả tươi của Nhật Bản vào Việt Nam, cho phép xuất khẩu quả vải, nhãn tươi Việt Nam vào Nhật Bản thông qua tham vấn về kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
15. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự hợp tác của Nhật Bản trong thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam và hợp tác trong lĩnh vực ô tô thông qua nhóm công tác về phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ tùng ô tô được thành lập giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của phát triển lành mạnh thị trường ô tô của Việt Nam và phía Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp phù hợp với các Hiệp định WTO để duy trì và mở rộng sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) và Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các hành động của phía Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng nâng cao năng suất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của kinh tế Việt Nam và chia sẻ quan điểm cùng nhau xác định các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu này.
16. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Biên bản hợp tác về năng lượng giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản tháng 11 năm 2017, khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng theo Biên bản hợp tác này, trong đó có khí tự nhiên hóa lỏng. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm vận hành thương mại 3 dự án nhà máy nhiệt điện than xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) hiệu quả cao và tuân thủ điều kiện môi trường, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy các dự án đối tác công tư do các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm việc Chính phủ Việt Nam dành các ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân.
Phát triển nguồn nhân lực, quản trị 17. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm thiết lập văn phòng đại diện của Viện công nghệ quốc gia (KOSEN), nghiên cứu để áp dụng mô hình giáo dục cao đẳng dạy nghề KOSEN của Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo cho rằng Đại học Việt - Nhật là dự án biểu tượng của hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước, khẳng định hợp tác nhằm sớm thiết lập hệ đào tạo cử nhân dựa trên kế hoạch tài chính lành mạnh.
18. Hai nhà lãnh đạo nhận thức rằng hợp tác trong các nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam trong đó có phát triển nguồn nhân lực và cung cấp các cơ hội đào tạo cho cán bộ cao cấp của đảng và cán bộ của Chính phủ sẽ đóng góp cho phát triển bền vững của Việt Nam và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác.
19. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển trong khởi động chương trình đặc biệt nhằm bồi dưỡng và đào tạo giáo viên tiếng Nhật tại Việt Nam và “Trung tâm giáo dục tiếng Nhật thuộc trường Đại học Việt - Nhật”; khẳng định ý định tăng cường hợp tác hướng tới nâng cao môi trường giáo dục tiếng Nhật, trong đó có nâng cao chất lượng và mở rộng số lượng giáo viên tiếng Nhật. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai “dự án KAKEHASHI” nhằm tạo cơ hội cho các học sinh trung học phổ thông học tiếng Nhật tại các nước châu Á được lưu trú tại Nhật Bản.
20. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác chặt chẽ dựa trên Bản ghi nhớ hợp tác tháng 6 năm 2017, giải quyết các vấn đề liên quan đến Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng mới trên cơ sở Luật thực tập sinh kỹ năng và bảo vệ thực tập sinh của Nhật Bản có hiệu lực tháng 11 năm 2017, bao gồm mục lao động mới là nhân viên điều dưỡng. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ ý định hợp tác nhằm mở rộng trao đổi du học sinh một cách thích hợp và khẳng định ý định tiếp tục hợp tác trao đổi du học sinh và tăng cường tuyên truyền thông tin xác thực về du học tại Nhật Bản cũng như quản lý phù hợp các Trường tiếng Nhật của Nhật Bản và các tổ chức tư vấn du học Nhật Bản tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển thực chất và khẳng định cam kết hợp tác để triển khai thuận lợi và phù hợp việc phái cử và tiếp nhận các ứng viên hộ lý, điều dưỡng viên đã được cấp bằng của Việt Nam sang Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản.
21. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về pháp luật và tư pháp nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa hai nước; thông báo hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Về hợp tác nông nghiệp, môi trường, phòng chống thiên tai, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế 22. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”, dựa trên thành quả của Đối thoại hợp tác nông nghiệp cấp cao lần thứ IV tháng 4 năm 2018, thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam, bao gồm thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản trong các lĩnh vực này.
23. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng và khẳng định tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để tăng trưởng bền vững. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển vững chắc của Cơ chế tín chỉ chung về hợp tác tăng trưởng các-bon thấp. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quản lý rác thải, chia sẻ ý định tạo thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng ở Việt Nam.
24. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết triển khai các thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, trong đó có Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết trên.
25. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm mở rộng mô hình giáo dục kiểu Nhật ở Việt Nam thông qua chương trình phổ biến mô hình giáo dục kiểu Nhật Bản ra nước ngoài (EDU-Port Japan), giao lưu giữa các trường Đại học và giao lưu thanh niên. Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bao gồm các chương trình và dự án nghiên cứu chung giữa Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, hai nhà lãnh đạo quyết định hợp tác trong việc áp dụng vào cuộc sống các kết quả nghiên cứu như dự án Chương trình Đối tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật vì phát triển bền vững (SATREPS), chương trình hợp tác nghiên cứu chung quốc tế giữa giới công nghiệp và học thuật và hợp tác củng cố nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tương lai thông qua Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - châu Á về khoa học (Chương trình khoa học Sakura). Hai bên chia sẻ ý định đồng tổ chức Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản trong năm 2019.
26. Đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản cho nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy của Việt Nam như tặng xe cứu hỏa và cứu hộ đã qua sử dụng trong những năm qua, hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
27. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt trong hợp tác viễn thông, an ninh mạng, tần số, dịch vụ bưu chính thông qua sử dụng cơ chế như Nhóm công tác chung; trong phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực ICT. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống truyền thông không dây đối với an toàn vận tải hàng không và hàng hải, hai nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy nghiên cứu khả năng hợp tác thiết lập Hệ thống kiểm soát tín hiệu vô tuyến cao tần.
28. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc chuẩn bị khai trương Trung tâm kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Chợ Rẫy và chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, sức khỏe theo Sáng kiến sức khỏe châu Á thông qua các nỗ lực như thiết lập trung tâm phục hồi chức năng, đào tạo nhân viên y tế trình độ cao tại Bệnh viện Việt-Đức, hợp tác y tế thông qua các dự án cụ thể, chăm sóc, phòng bệnh cho người cao tuổi, phục hồi chức năng, cải thiện môi trường sinh hoạt bảo đảm sức khỏe và nhà ở tiết kiệm năng lượng, có lợi cho sức khỏe. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của việc nhập khẩu, phân phối thuận lợi và phù hợp các thiết bị y tế, dược phẩm tại Việt Nam vì sức khỏe người dân Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc liên kết với các tổ chức tư nhân tăng cường hỗ trợ người khuyết tật.
Văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân 29. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh các sự kiện kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản như các lễ hội văn hóa đã được tổ chức thành công ở hai nước, chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác chặt chẽ bảo đảm tổ chức thành công các sự kiện lớn sắp tới như các lễ hội âm nhạc và liên hoan phim, giải vô địch chạy tiếp sức EKIDEN và những sự kiện khác trong các lĩnh vực văn hóa và thể thao.
30. Hướng tới Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020, hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân bao gồm nội dung phát sóng, thể thao cho người khuyết tật thông qua các chương trình như “Dự án WA”, “JENESYS”, “Thể thao cho ngày mai” và “Sáng kiến thành phố chủ nhà”.
31. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao và chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước thông qua Kế hoạch bầu trời mở trên các tuyến bay từ các thành phố có tiềm năng về khách du lịch của Nhật Bản tới các thành phố du lịch của Việt Nam.
32. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển mới trong hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời gian qua và tái khẳng định đây là kênh hiệu quả thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo quyết định hợp tác hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ của các địa phương Nhật Bản cho Việt Nam.
Các diễn đàn quốc tế và khu vực 33. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường phối hợp và hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) cùng các diễn đàn khác nhằm đóng góp tích cực và xây dựng đối với việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công năm APEC 2017.
34. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những phát triển tích cực của quan hệ ASEAN - Nhật Bản, hướng tới kỷ niệm 45 năm quan hệ hữu nghị hợp tác ASEAN - Nhật Bản. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và tái khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm thực hiện vững chắc và hiệu quả Tuyên bố về Tầm nhìn Hữu nghị Hợp tác ASEAN - Nhật Bản và Kế hoạch Thực hiện sửa đổi. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ ý định của Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam - nước đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018-2021. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng các đối tác trong khu vực tăng cường tính liên kết trong và ngoài khu vực trên cơ sở Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, tôn trọng hoàn toàn tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
35. Hai nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận sự tiến triển vững chắc của hợp tác Mê Công - Nhật Bản bao gồm việc Nhật Bản hỗ trợ tăng cường kết nối cứng và kết nối mềm trong khuôn khổ “Chiến lược Tokyo mới 2015 cho hợp tác Nhật Bản – Mê Công” thông qua tại Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7 tổ chức tại Tokyo năm 2015. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã có đóng góp lâu dài cho phát triển của khu vực Mê Công. Hai nhà lãnh đạo quyết định hợp tác để đưa ra phương hướng nâng cao hiệu quả và vai trò của hợp tác Mê Công - Nhật Bản trong thời gian tới tại Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10 dự kiến tổ chức vào năm nay. Hai nhà lãnh đạo khẳng định lại tầm quan trọng của quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác chặt chẽ giữa cơ chế Mê Công – Nhật Bản với các tổ chức tiểu vùng Mê Công, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
36. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3 năm 2018, một lần nữa bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò của hai nước trong thúc đẩy Hiệp định CPTPP; tái khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích quan trọng không chỉ cho hai nước mà còn đối với ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo sẵn sàng đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực sớm nhất có thể. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng hai nước sẽ phối hợp thực thi các nghĩa vụ của mỗi nước, đặc biệt là các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Trong quá trình thực hiện, Nhật Bản sẽ nghiên cứu cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam thi hành có hiệu quả các nghĩa vụ, từ đó hiện thực hóa đầy đủ các lợi ích mà CPTPP mang lại. Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm cho rằng mở rộng CPTPP trong tương lai như một nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống thương mại tiêu chuẩn cao và dựa trên luật lệ trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết nhanh chóng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm RCEP sẽ là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi cho các thành viên.
37. Hai nhà lãnh đạo tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông; nhắc lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố chung về ứng xử của các Bên trên Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và phức tạp tình hình tại Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của COC toàn diện và có hiệu lực. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ nhận thức rằng để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực, các nỗ lực ngoại giao cần hướng tới việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và một Biển Đông hòa bình và ổn định.
38. Thủ tướng Shinzo Abe đã giải thích về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự tự do và rộng mở trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những đóng góp và sáng kiến vì mục tiêu đó. Thủ tướng Shinzo Abe tái khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam và ASEAN là những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, tái khẳng định ý định của Nhật Bản ủng hộ và hợp tác với Việt Nam và ASEAN.
39. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển tích cực gần đây, bao gồm cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều tổ chức vào tháng 4 năm 2018, vì giải pháp toàn diện cho các vấn đề còn tồn tại về Bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tại các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; khẳng định tính cấp thiết của việc các bên liên quan tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho vấn đề này, bao gồm phi hạt nhân hóa Bản đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm giải quyết ngay vấn đề bắt cóc.
40. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm nâng cao tính chính danh, hiệu quả và tính đại diện của Hội đồng Bảo an, phản ánh thực tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục tham gia một cách xây dựng vào công tác đàm phán liên chính phủ hướng tới sớm thực hiện cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm cả việc tăng số lượng thành viên thường trực và không thường trực. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết bắt đầu đàm phán trên cơ sở văn bản tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 72. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ cảm ơn Việt Nam tiếp tục ủng hộ vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của Nhật Bản sau khi cơ quan này được cải cách. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hai nước ủng hộ lẫn nhau trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó Việt Nam ứng cử nhiệm kỳ 2020 - 2021, Nhật Bản ứng cử nhiệm kỳ 2023 - 2024.
41. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bao gồm động vật biển có vú. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam đang tích cực thúc đẩy thủ tục nội bộ cần thiết nhằm sớm tham gia Ủy ban đánh bắt cá voi quốc tế.
42. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chân thành cảm ơn Nhà Vua và Hoàng Hậu, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự tiếp đón trọng thị và nồng nhiệt./.