Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội nhiều khả năng lỡ hẹn đưa vào vận hành

15:28' - 04/08/2022
BNEWS Mặc dù đặt mục tiêu hoàn thành phần đi nổi dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội trước ngày 15/10/2020 nhưng đến nay, tiến độ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới đạt 74,4%.

Mặc dù đặt mục tiêu hoàn thành phần đi nổi dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội trước ngày 15/10/2020 để đưa vào vận hành trong năm 2022 nhưng đến nay, tiến độ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới đạt 74,4%; trong đó, đoạn trên cao đạt 95,1% và đoạn ngầm đạt 33%.

 

Không chỉ chậm tiến độ, dự án này còn đội vốn hàng nghìn tỷ đồng khi tăng thêm hơn 4.905 tỷ đồng (khoảng gần 203 triệu euro), nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.

Hiện Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án.

Cụ thể, thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, nhưng với đoạn đi ngầm dài 3,5 km, Ban yêu cầu đơn vị tư vấn cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thẩm định lại để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu euro). Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện.

Đồng thời, do điều chỉnh thiết kế, các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành cùng với chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu…

Với mục tiêu đưa đoạn tuyến trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành, khai thác cuối năm nay đã tiến gần tới đích nhưng hiện nay vẫn "vướng" tại gói thầu xây dựng Depot Nhổn.

Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 6 vừa qua, liên danh các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Cơ quan phát triển Pháp (AFD) - Tổng cục Kho bạc Pháp (DGT) đã chỉ ra khó khăn lớn nhất đối với đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự án Đường sắt đô thị số 3 là Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP) - nhà thầu phụ trách xây dựng Depot Nhổn (Gói thầu số 5) đã gần như ngừng huy động nhân lực thi công trên công trường do những vấn đề hợp đồng trong 2 năm qua. Các nhà tài trợ lo ngại, thời gian kéo dài thêm cho các hợp đồng này sẽ gây ra những hậu quả tài chính ngoài cam kết hiện tại.

Liên quan đến gói thầu xây dựng Depot Nhổn, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến nhà thầu chậm trễ thi công gói thầu này. Hiện, Ban quản lý dự án đang nỗ lực cùng với Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP) giải quyết vướng mắc để triển khai thi công.

Do sự chậm trễ trên, các nhà tài trợ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để kéo dài ngày hoàn thành dự án chính thức tuyến đường sắt này. Mốc thời điểm theo dự kiến là ngày 31/12/2022 sẽ phải dời sang một mốc khác thực tế hơn. Việc chậm trễ kéo dài kéo theo đòi hỏi phải điều chỉnh tăng chi phí dự án, sửa đổi và gia hạn những khoản vay để không gián đoạn thanh toán cho các nhà thầu.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm (đoạn Kim Mã - Ga Hà Nội, với 4 ga ngầm), có tổng mức đầu tư 1,176 tỷ euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Được khởi công từ năm 2008 dự kiến hoàn thành vào cuối  năm 2022.

Tuy nhiên, dự án không đảm bảo tiến độ đề ra do rất nhiều nguyên nhân. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, các nguyên nhân chính là chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, điển hình có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch.

Đặc biệt, có 50 tòa nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm nhưng quy trình bồi thường cho các hộ dân chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo quy định pháp luật.

Cùng đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 cũng làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí. Việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp. Vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói).

Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn.

Không những thế, đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Ngoài ra còn vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị. Do đó, đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ và đội vốn còn có nguyên nhân do dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong khi các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm.

Các gói thầu ngoài việc tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, trong khi những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ. Vì vậy, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc do sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, hiện nay, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý từng hạng mục công việc; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao vào cuối năm 2022.

Trong 5 nhóm nêu trên, các vướng mắc thuộc trách nhiệm của thành phố đều đã được UBND thành phố Hà Nội kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Với mặt bằng khu vực công trình phụ trợ ga ngầm S9 Ngọc Khánh, UBND thành phố đã giao UBND quận Ba Đình xử lý dứt điểm trong tháng 6/2022. Còn lại 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, MRB đang tiếp tục phối hợp với các quận Đống Đa và Ba Đình bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân, hoàn thành trước ngày 30/9/2022 theo yêu cầu của thành phố.

Riêng 3 nhóm vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, từ năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục