Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương còn thấp

13:34' - 14/10/2020
BNEWS Ông Trương Hùng Long nhận định, tỷ lệ giải ngân tháng 9/2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn thấp so với dự toán 2020.

Đến ngày 30/9, số giải ngân đầu tư vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, bao gồm cả số giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước đạt tỷ lệ 29% so với dự toán được giao; trong đó, số giải ngân trong tháng 9/2020 tăng thêm 8% so với tỷ lệ giải ngân tính đến 31/8.

Đây là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị với các địa phương "Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội.

Theo ông Trương Hùng Long, số các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tính đến ngày 30/9  đạt 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với một tháng trước đó. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách Trung ương tính đến ngày 30/9 chiếm 11,73% dự toán.

Về nguồn vốn Trung ương cho vay lại cho địa phương, các địa phương đã phân bổ và hệ thống Tabmis tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.

Tỷ lệ giải ngân chung nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn nước ngoài theo phương thức ghi thu ghi chi, bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 30,4% dự toán được giao.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2020 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước.

Ông Trương Hùng Long nhận định, tỷ lệ giải ngân tháng 9/2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn là thấp so với dự toán 2020. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng.

Việc quản lý vốn nhàn rỗi trên các tài khoản tạm ứng được tăng cường, Bộ Tài chính cho biết, số dư vốn ứng chưa báo cáo hoàn chứng từ trên các tài khoản tạm ứng giảm dần qua các thời điểm 31/12/2019, 31/8/2020 và 30/9/2020. Cùng với đó, vốn giải ngân thực thanh toán tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn 3 đến 4 tháng. Điều này góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đẩy nhanh giải ngân.

Đại diện Thành phố Hồ Chí  Minh cho biết, đến 30/9, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn khoảng 1500 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch vốn được giao. Với nguồn vốn cho vay lại, Thành phố giải ngân trên 4.800 tỷ đồng đạt 46% kế hoạch. Tính chung cho 2 nguồn vốn nay, tỷ lệ giải ngân đạt 40,86%, dự kiến cả năm đạt 8.000 tỷ đồng.

Theo đại diện Thành phố Hồ Chí  Minh, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho tiến độ giải ngân là do dịch COVID-19. Đồng thời, trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư phát sinh thủ tục, tờ trình, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung đang triển khai chỉ đạo bồi thường hỗ trợ tái định cư, tăng cường kiểm tra giám sát…

Để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân đối với các dự án có tài khoản đặc biệt, tài khoản tạm ứng, các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán; gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính, để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô (có một cơ quan giữ vai trò chủ quản điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý) để kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án ô hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính.

Riêng Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.

Đồng thời, trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp; xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký Hợp đồng cho vay lại./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục