Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C ở Việt Nam cao nhất khu vực

18:07' - 19/11/2018
BNEWS Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.

* Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C ở Việt Nam cao nhất khu vực 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Viêm gan toàn cầu (World Hepatitis Alliance), hiện nay trên thế giới có 325 triệu người đang nhiễm vi rút viêm gan B-C, nhưng có đến 300 triệu người (hơn 90%) không hề biết rằng mình đã mắc bệnh. Trong các loại viêm gan vi rút A, B, C, D, E, vi rút viêm gan B-C là hai tác nhân chính của đại dịch viêm gan và dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như xơ gan, ung thư gan và tử vong. 

Hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam. 

Viêm gan B với tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng (10-15%), tiến triển nhanh tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Tuy đã có vaccine phòng bệnh nhưng vẫn đang là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh cần phải theo dõi và điều trị suốt đời. 

Bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm Viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình. Viêm gan C tuy chưa có vaccine phòng bệnh nhưng gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, hiện tại chi phí cho điều trị viêm gan C vẫn còn cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả, do đó hầu hết (90%) bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C. 

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viêm gan B, C là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan. Đường lây truyền chính ở Việt Nam là từ mẹ sang con. Đáng lo khi chỉ có 9% người bệnh biết mình bị nhiễm, trong số này chỉ 8% được điều trị. Việc điều trị viêm gan B lâu dài, tốn kém, tuy nhiên có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine khỏi các biến chứng xơ gan, ung thư gan với tỷ lệ tới 95%. Ngoài ra, viêm gan B còn lây truyền qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo…). Khoảng 5% người lớn chuyển thành mạn tính, lây truyền chủ yếu do tái sử dụng bơm kim tiêm, người tiêm chích ma tuý. Một phần đáng kể lây qua các thủ thuật y tế như: phẫu thuật viên, nha sỹ, xăm trổ, dùng chung vật sắc nhọn: dao cạo râu… 

* Đẩy mạnh việc phát hiện và điều trị sớm viêm gan 

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán viêm gan còn khó khăn vì không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm gan B, C. Việc chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C mới chỉ triển khai tốt ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh, còn hạn chế ở tuyến huyện. Khó khăn tiếp theo là thuốc điều trị đối với viêm gan B, C còn đắt nên không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Do đó, Nguyễn Trọng Khoa đề xuất, các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý, điều trị người bệnh. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho biết, vừa qua Bộ Y tế có họp Hội đồng xét duyệt thuốc và xác nhận cho phép lưu hành một số loại thuốc mới điều trị viêm gan C. “Chúng tôi cũng đã làm việc với hãng, công ty dược lớn để thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới với giá thành rẻ so với giá thành sản xuất tại các nước khác. Đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thuốc mới”, ông Khoa nói. 

Bên cạnh đó, Bộ y tế kêu gọi cán bộ y tế và người dân trong cộng đồng tăng cường nhận thức, nâng cao cảnh giác trong việc việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị triệt để viêm gan virus và các bệnh lý về gan. 

Để phòng bệnh viêm gan C (hiện chưa có vaccine viêm gan C), PGS, TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân cần tránh tiêm không cần thiết và không an toàn; tránh các sản phẩm máu không an toàn; tránh thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn không an toàn; tránh sử dụng ma túy trái phép và dùng chung dụng cụ tiêm chích; tránh quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm virút viêm gan C; tránh dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn có thể bị nhiễm bẩn với máu bị nhiễm vi rút; tránh xăm trổ hoặc xâu khuyên và châm cứu bằng các dụng cụ nhiễm bẩn…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục