Ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện cải cách hành chính

21:28' - 09/06/2023
BNEWS Một số sở, ngành, địa phương chưa coi cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chưa chú trọng trả lời kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Ngày 9/6, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, ngành, cơ quan tương đương sở và các huyện, thị xã.

Năm 2022, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tích cực nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều sáng kiến, giải pháp được nghiên cứu, áp dụng và đổi mới trong thực hiện cải cách hành chính. Công tác truyền thông về cải cách hành chính được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá tác động của cải cách hành chính và đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được triển khai khoa học, giúp nâng cao tính khách quan, chính xác, phản ánh toàn diện các nội dung cải cách hành chính.

Theo đó, đối với các sở, ban, ngành, Sở Công Thương đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 với 92,43%; đứng thứ nhì là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 91,74%; Sở Khoa học và Công nghệ xếp thứ 3 với 91,23%. Đơn vị có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường với 80,55%.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, địa phương dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là thành phố Buôn Ma Thuột với 92,33%, đứng thứ nhì là huyện Krông Năng với 91,29% và xếp thứ 3 là huyện Krông Pắk với 90,32%. Địa phương có Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất là huyện Lắk với 73,17%.

Từ kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính như: Một số sở, ngành, địa phương chưa coi cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chưa chú trọng trả lời kiến nghị của cá nhân, tổ chức; còn chậm trễ trong ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức trong giải quyết thủ tục hành chính; còn tình trạng gây phiền hà cho người dân doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; tình trạng trễ hạn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền, đặc biệt là hồ sơ đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, để cải thiện chỉ số cải cách hành chính, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, bám sát chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Toàn tỉnh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, toàn tỉnh cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống nền tảng, hệ thống kho dữ liệu dùng chung, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin, nguồn nhân lực để sẵn sàng chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện cải cách hành chính...

Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục