Ứng dụng công nghệ vào du lịch: Xu hướng tất yếu

12:28' - 26/06/2019
BNEWS Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch và đạt được hiệu quả tương đối tốt.

Với tầm quan trọng và xu thế tất yếu của du lịch trực tuyến, Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức Ngày du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến”.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Báo cáo Chỉ số Thương Mại Điện Tử 2019 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Theo báo cáo Google và Temasek, quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler – FIT) tăng mạnh cả inbound và outbound tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến bao gồm: kinh tế chia sẻ, ứng dụng AI, AR và VR…

Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, xu hướng du lịch và hành vi của du khách hiện nay đã bước sang giai đoạn khách du lịch kết nối với sản phẩm. Họ chủ động cho chuyến đi du lịch từ khâu tìm hiểu điểm đến, đặt dịch vụ… Những nhận xét, đánh giá từ chính trải nghiệm của họ được lan rộng nhanh và được những du khách khác tin tưởng hơn. Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu. Chính vì vậy, nếu chưa nắm bắt tốt xu hướng, hành vi của du khách, điều này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngày nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt nam cũng nhận thức được tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đất nước. Các ban ngành cũng đã cố gắng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Đối với ngành du lịch, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển du lịch. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch và đạt được hiệu quả tương đối tốt.

"Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyển còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩmt hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn". Ông Vũ Thế Bình nói thêm.

Trong ứng dụng công nghệ và hoạt động kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban Công nghệ Thông tin Vietravel cho biết, với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Theo đó, lượng khách tăng gần 10% qua các năm, riêng năm 2019 dự kiến tăng tới 30%. Doanh thu từ trực tuyến trung bình tăng 22%, năm 2019 dự kiến tăng 40%. So với cán cân thị trường nhóm khách lẻ thì online chiếm 14% lượt khách, 11% doanh thu.

Ông Nguyễn Bình Long khẳng định, để đạt được mục tiêu đề ra, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh đã là xu hướng tất yếu. Ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.

Các diễn giả chia sẻ trong phiên 1: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings cho hay, công nghệ là một lĩnh vực khó. Sản phẩm công nghệ Việt Nam thiếu và kém, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Nguồn nhân sự IT chủ yếu định hướng gia công sản phẩm hơn là xây dựng và sáng tạo sản phẩm.

Trước những khó khăn cũng như cơ hội của du lịch trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ông Vũ Thế Bình có đề xuất một số giải pháp du lịch trực tuyến như: Tiếp tục đầu tư vào mạng kỹ thuật số; khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng triển khai nền tảng kỹ thuật số; đầu tư đổi mới dữ liệu du lịch; hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh.

Ngày du lịch trực tuyến 2019 là sự kiện du lịch trực tuyến quy mô lớn được tổ chức hai năm một lần, tập hợp các công ty tiếp thị trực tuyến cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ.

Sự kiện này là cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân thảo luận về các xu hướng, công nghệ và giải pháp để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả của kinh doanh du lịch trực tuyến. Đây là sự kiện lớn hàng năm của ngành du lịch với sự tham gia của hơn 600 đại biểu trong và ngoài nước.

Mục đích của sự kiện nhằm nâng cao sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về tầm quan trọng của du lịch trực tuyến; tạo cơ hội hợp tác, kết nối giữa các đơn vị liên quan tới du lịch như hàng không, khách du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, doanh nghiệp công nghệ, thanh toán, tiếp thị.

Các nội dung trao đổi tại Ngày du lịch trực tuyến gồm: Phiên 1: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; Phiên 2: Nắm bắt hành vi du khách online; Phiên 3: Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; Phiên 4:  Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến.

Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ ký thỏa thuận hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ ký thỏa thuận hợp tác với trang video trực tuyến mới nổi là TikTok.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục