Ứng dụng khoa học trong dệt may: Tạo cơ chế để cung gặp cầu

13:28' - 20/10/2022
BNEWS Tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt may và Da giày lần thứ 3 tổ chức ngày 20/10, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng khoa học là xu thế và cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việt Nam hiện là nước sản xuất dệt may, da giày hàng đầu thế giới. Hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt may và Da giày lần thứ 3 do Câu lạc bộ Khoa học Dệt may và Da giày Việt Nam tổ chức ngày 20/10, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng khoa học là xu thế và cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần tạo ra cơ chế để cung - cầu về công nghệ gặp nhau.
*Thiếu liên kết
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí đạt từ 15-20%, điện tử từ 7-10%, dệt may trên 48%. Có thể thấy, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may so với các ngành đã ở mức cao nhưng cũng đặt ra bài toán cho nghiên cứu khoa học để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa này.
Nếu như năng suất lao động năm 2010 với 1 lao động đạt 10.700 USD xuất khẩu, nhưng năm 2019 đã tăng lên 20.300 USD. Năng suất đã tăng 1,9 lần, trong khi lao động giảm từ 93.000 người/tỷ USD xuống còn hơn 49.000 người/tỷ USD. Điều này có sự đóng góp lớn của khoa học công nghệ.
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệp trưởng Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội cho hay, để cạnh tranh, ngành dệt may có 2 công cụ chính là năng suất - chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa cần nâng cao hơn. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ cần thêm 1 công cụ nữa là xanh hóa dệt may. Các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm… Liệu các sản phẩm dệt may, xơ sợi của Việt Nam đã "xanh". Do vậy, đây sẽ là vấn đề cần nghiên cứu sâu để cái này để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.

Theo ông Hoàng Xuân Hiệp, hiện mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các doanh nghiệp dệt may vẫn ở mức trung bình với 2,73/5 điểm. Nếu không tập trung vào khoa học công nghệ thì sẽ không nâng cao được tính cạnh tranh của ngành. 

"Khó khăn nhất là các doanh nghiệp dệt may vẫn khó tiếp cận dữ liệu về nguồn cung công nghệ trong nước và quốc tế. Việt Nam chưa hình thành và phát triển tổ chức trung gian riêng của thị trường khoa học công nghệ cho ngành dệt may. Một doanh nghiệp muốn tiếp cận công nghệ cũng không biết tìm ở đâu và ngược lại, các trường, viện nghiên cứu khi có công nghệ cũng không biết chuyển giao cho ai.
Bên cạnh đó, việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ của ngành dệt may chưa được triển khai đáng kể tại Việt Nam. Có thể kể đến như thiếu hoạt động xúc tiến thương mại hội chợ, triển lãm… Kết nối giữa doanh nghiệp dệt may với các trung tâm nghiên cứu khoa học như trường đại học, viện nghiên cứu về dệt may còn rất hạn chế", ông Hoàng Xuân Hiệp nói.
Ngoài ra, chính sách nhà nước liên quan đến thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ là tài sản công còn vướng mắc, như: phải định giá tài sản công trước khi thương mại hóa; luật yêu cầu hoàn trả phần đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu. Các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay, hạ tầng kỹ thuật cho các dự án công nghệ cao hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may. Về hạ tầng thì cũng chưa có khu công nghiệp tầm cỡ nào, khoảng 500ha cho lĩnh vực dệt may.
Cùng chia sẻ vấn đề này, PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa cho hay, ngành dệt may đang có nhiều cơ hội để phát triển, các cơ sở đào tạo nhân lực đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp còn hạn chế và cần có sự gắn kết để tạo thành một khối thống nhất trên toàn quốc.
*Gắn kết cung - cầu
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng bày tỏ nhu cầu, sự quan tâm đến việc nghiên cứu tập trung giải quyết những vấn đề mà các đơn vị sản xuất đang phải hàng ngày đối mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà dệt may Việt Nam đang hướng đến.
Có thể kể đến như các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường năng lực cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại đã được ký kết. Sản xuất bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tái chế, tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm dệt may, hạn chế thời trang nhanh, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may… Đây là xu thế tất yếu của ngành dệt may hiện nay, yêu cầu mà nhà sản xuất hàng dệt may phải đáp ứng trong thời gian tới.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: "Nhu cầu của doanh nghiệp luôn là cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuộm cao nhất. Để làm được điều đó, sẽ cần sự chung tay, hợp tác rất chặt chẽ từ các nhà khoa học, các trường, viện nghiên cứu.

Do vậy, thời gian tới cần thiết phải tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngành dệt may, da giày phát triển".
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệp trưởng Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội, về chính sách vĩ mô, Chính phủ xem xét và cho phép thành lập các khu công nghiệp dệt may lớn với diện tích từ 500 ha trở lên, được đầu tư đồng bộ về công nghệ sản xuất và xử lý môi trường quy mô, đồng bộ. Đồng thời, thiết kế các chính sách ưu đãi thuế, vốn vay… cho hoạt động khoa học công nghệ ngành dệt may.
Ngoài ra, sớm nghiên cứu, thành lập tổ chức trung gian về thị trường khoa học công nghệ cho ngành dệt may, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng thông tin về thị trường khoa học công nghệ ngành dệt may. Cùng đó, đánh giá nhu cầu và khả năng cung ứng công nghệ trong ngành dệt may giai đoạn 2022-2030.
Việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu, sản xuất xanh sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường. Song để hiện thực hóa được điều đó, không có cách nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư cho khoa học công nghệ. Dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ đại học cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may sẽ tăng cao.
PGS. TS Huỳnh Đăng Chính cho rằng, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là nhiệm vụ hàng đầu quyết định sự phát triển bền vững của toàn ngành. Song song với đó, đẩy mạnh kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục