Ứng phó bão số 10: Ngành công thương chủ động cung ứng đủ hàng hoá

12:14' - 03/11/2020
BNEWS Nhằm ứng phó với cơn bão số 10, Bộ Công Thương cho biết các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân; giá cả các mặt hàng đều ở mức ổn định.

Bộ Công Thương cho biết, nhằm ứng phó với cơn bão số 10, Văn phòng thường trực đã thường xuyên liên lạc, gọi điện trực tiếp đến các Nhà máy thủy điện khu vực Duyên hải từ Quảng trị đến Quảng Ngãi để cập nhật thông tin, nắm bắt hiện trường và chuyển tải thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo TW về PCTT và quán triệt các nội dung của Công điện số 8319/CĐ-PCTT đến các đơn vị và chủ đập, hồ chứa; để nhanh chóng triển khai thực hiện vận hành đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thủy điện Đak Mi 2 chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đã chấp hành di chuyển hết công nhân ra khỏi khu vực nhà máy và tuyến đập.

Thủy điện Đak Mi 3 đang tiến hành bơm nước đánh giá thiệt hại do ngập nhà máy và lên phương án khắc phục để sớm đưa nhà máy vào vận hành.

Hiện tại, các hồ nhỏ vận hành bình thường, các hồ lớn mực nước đã xấp xỉ mức mực nước dâng bình thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đang chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn công trình và hạ dần mức nước để tăng khả năng phòng lũ ứng phó với bão số 10.

Theo Bộ Công Thương, tại Nghệ An thị trường vẫn giữ ổn định, hàng hóa đáp ứng được nhu cầu và không có biến động bất thường về giá.

Tại tỉnh Hà Tĩnh các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân; giá cả các mặt hàng đều ở mức ổn định.

Nhu cầu mua sắm đối với một số thiết bị điện dự phòng như đèn tích điện, máy phát, pin dự phòng... tăng mạnh, các cơ sở kinh doanh phải thường xuyên nhập hàng về để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đáng lưu ý, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm.

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sữa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị; đồ gia dụng và các loại thuốc, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt tị tỉnh Quảng Bình đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả ổn định, không phát hiện vi phạm.

Tại siêu thị, chợ ở Quảng Trị nguồn cung hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, tuy nhiên nguồn rau xanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do bị ảnh hưởng của ngập lụt, chủ yếu là rau, củ, quả nhập từ ĐăkLăk, Đà Lạt. Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 2 trường hợp vi phạm.

Thị trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thành phố, tuy nhiên đến nay sức mua của người dân vẫn còn thấp.

Riêng đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng phục vụ công tác sữa chữa công trình xây dựng, thiết bị điện, đồ gia dụng không có biến động về giá.

Tại Quảng Nam, hầu hết các cơ sở kinh doanh, các chợ lớn và chợ dân sinh đã hoạt động bình thường. Các đại lý, các nhà phân phối đã vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, riêng mặt hàng rau xanh vẫn còn ít và khan hiếm hơn do mưa lớn và bão kéo dài.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống điện đã được khắc phục tại một số địa phương, các nhà máy cán, dập tole đã hoạt động trở lại; các lô hàng ngói lợp, tấm lợp đã được nhà phân phối chuyển về Quảng Ngãi góp phần giải quyết hiện tượng thiếu hụt hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương kêu gọi vận động doanh nghiệp dập, cán tole của các địa phương ngoài tỉnh lắp đặt các trạm dập, cán tole di động, sử dụng máy phát điện tại chỗ để kịp thời cung ứng nhu cầu của nhân dân.

Thị trường đang dần ổn định, đến nay giá cả mặt hàng vật liệu xây dựng, sức mua giảm, dần ổn định và không còn biến động nhiều so với trước bão.

Tình hình thị trường các cơ sở kinh doanh tại Bình Định đã trở lại hoạt động bình thường, hàng hóa đủ cung cấp cho nhân dân, qua kiểm tra cho thấy không xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai để tăng giá.

Tại Phú Yên, giá cả mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, mặt hàng phục vụ công trình xây dựng, sữa chữa điện, điện tử, đồ gia dụng… sau bão số 9 như gạo, mì tôm, thịt heo, đường, mắm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, gạch, ngói, tôn, điện tử, đồ gia dụng…trên địa bàn tỉnh nhìn chung không biến động, không tăng giá, hàng hóa ổn định đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tại Khánh Hoà thình thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tiếp tục ổn định; nguồn cung tại các cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Khu vực các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng thị trường ổn định, không có tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư y tế và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng.

Bộ Công Thương cho biết thêm, kể từ khi xảy ra mưa lũ đầu tháng 10 đến thời điểm trước khi bão số 9 đổ bộ đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 319 xã. Cụ thể, Hà Tĩnh 90 xã, Quảng Bình 114 xã, Quảng Trị 77 xã, Thừa Thiên Huế 27 xã/phường, Quảng Nam 11 xã.

Nguồn điện các nhà máy hoạt động bình thường; lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV sự cố đường dây truyền tải đã được khôi phục xong  ngay sau khi bão đi qua.

Do sự cố và chủ động cắt điện tại các tỉnh để đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, ngay sau bão đi qua cùng với 11 xã bị mất điện do ngập lụt chưa khôi phục xong trước bão số 9 thì tổng số xã bị mất điện là 725 xã tại các tỉnh Quảng Bình 19 xã, Quảng Trị 90 xã, Thừa Thiên Huế 56 xã, Đà Nẵng 17 phường, Quảng Nam 233 xã, Quảng Ngãi 168 xã, Bình Định: 60 xã, Phú Yên 15 xã,  Gia Lai 37 xã, Đăk Lăk 4 xã, Kon Tum 26 xã.

Tính đến trước kỳ báo cáo này đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 564 xã, mất điện tại 161 xã. Đêm qua và hôm nay đã khôi phục, cung cấp điện cho 64 xã, hiện đang mất điện tại 97 xã. Tại Quảng Nam mất điện 50 xã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 48 xã, Quảng Ngãi 46 xã (khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 8 xã), Bình Định 1 xã (khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 5 xã), Kon Tum khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 3 xã.

Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục để cấp điện nhanh nhất 97 xã nêu trên khi đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Như vậy kể từ khi mưa bão gây ngập lụt miền Trung từ đầu tháng 10 đến thời điểm báo cáo đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 947 xã, đang còn mất điện tại 97 xã tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ,Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum đã khôi phục xong, cung cấp điện cho toàn tỉnh.

Các Tập đoàn; Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiến hành khôi phục, sửa chữa để đưa công trình trở lại vận hành. Đến nay chưa có thiệt hại về người, về tài sản thiệt hại không lớn, các đơn vị đang thống kê./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục