Ứng phó bão số 6: Cảnh báo nguy cơ mưa cục bộ cường suất lớn

10:13' - 27/10/2024
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo từ sáng 27/10 đến 28/10, từ Quảng Bình - Quảng Nam có mưa phổ biến từ 200 – 400 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo từ sáng 27/10 đến 28/10, từ Quảng Bình - Quảng Nam có mưa phổ biến từ 200 – 400 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm, cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100  mm/3h; Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Tây Nguyên mưa từ 100 - 180mm, có nơi trên 250 mm.

 

Về bão số 6, hồi 4h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 125km, sức gió cấp 9-10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 20km/h.

Sức gió thực đo lúc 4h ngày 27/10 tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 5, giật cấp 8.

Dự báo, sáng ngày 27/10, bão đổi hướng Đông khi di chuyển sát đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam. Đến 4h ngày 28/10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ven bờ Trung Trung Bộ với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trong 24h tới: Từ Vĩ tuyến 14,5 - 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4 - 0,6 m.

Vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi sóng biển từ 3 – 5 m. Thuỷ triều cao nhất là 1,3 m từ 20h - 22h ngày 27/10 và thấp nhất là 0,8m từ 13h - 14h ngày 28/10.

Về tình hình lũ, mực nước các sông từ Quảng Trị - Quảng Nam ở mức báo động 1; các sông khác Hà Tĩnh - Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đang ở dưới báo động 1.

Dự báo từ ngày 27-28/10, có khả năng xảy ra đợt lũ trong đó đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị - Quảng Ngãi lên mức  báo động 2 – báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông Quảng Bình báo động 1 – báo động 2, trên báo động 2; các sông Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum lên trên mức báo động 1.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

Lúa vụ Mùa khu vực Nam Trung Bộ đã thu hoạch 45.424ha/116.677ha; hiện còn 71.253 ha chưa thu hoạch tập trung tại các tỉnh: Bình Thuận 43.253ha, Ninh Thuận 15.091ha, Khánh Hoà 6.191ha, Phú Yên 3.581ha, Bình Định 2.763ha.

Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Thanh Hoá đến Phú Yên còn tồn tại 38 trọng điểm đê điều xung yếu.

Các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ đạt 47 - 80% dung tích thiết kế; trong đó 2 hồ đang vận hành xả tràn là Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 247 m3/s, Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) xả 190 m3/s; 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 52 hồ chứa đang thi công.

Khu vực Nam Trung Bộ các hồ chứa thủy lợi đạt 31 - 58% dung tích thiết kế; trong đó 5 hồ đang vận hành xả tràn: Nước Trong (Quảng Ngãi) xả 42 m3/s; Long Mỹ (Bình Định) xả 7 m3/s; Sông Cái (Ninh Thuận) xả 27 m3/s; Sông Quao xả 24 m3/s, Cà Giây xả 12 m3/s (Bình Thuận); 26 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 19 hồ chứa đang thi công.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi đã cấm biển. Các địa phương đã tổ chức sơ tán 6.252 hộ/25.050 người. Địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, đường đi và diễn biến còn phức tạp, thời gian ảnh hưởng trên biển, đất liền kéo dài và gây mưa lớn trong những ngày tới. Để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến, mức độ ảnh hưởng của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; chủ động kéo dài thời gian thực hiện cấm biển.

Các tỉnh, thành phố rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão ảnh hưởng….

Các địa phương tập trung thu hoạch diện tích lúa Mùa, nuôi trồng thuỷ sản đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng; chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục