Ứng phó bão số 9: Ngành công thương thực hiện các giải pháp cấp bách để giảm thiệt hại

22:43' - 27/10/2020
BNEWS Công điện khẩn của Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

 

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa có công điện khẩn gửi tới Tổng cục Quản lý thị trường; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận; Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Hóa chất Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Dầu khí Việt Nam (PVN); các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố nêu trên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh trong vùng mưa lũ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đặc biệt là các chủ hồ chứa thủy điện, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ; chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du. Đồng thời, rà soát các khu vực có thể bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước được giao, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện đang vận hành phát điện và các dự án đang thi công trên địa bàn nếu có nguy cơ mất an toàn phải di dời người, thiết bị đến nơi an toàn.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),  đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng, bảo đảm an toàn công trình điện lực, an toàn lưới điện và an toàn khu vực hạ du các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc Tập đoàn thực hiện vận hành an toàn các hồ, đập thủy điện góp phần giảm lũ cho hạ du, không để tăng ngập lụt ở hạ du; xây dựng phương án cấp điện trở lại khi bão tan, nước rút để đảm bảo đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Công điện cũng nêu rõ, đối với các chủ đập thủy điện phải tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn để chủ động vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, kiểm tra , đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước ... và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có ) để có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế gây áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ.

Chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm như hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo ...  đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.

Mặt khác, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định. Đặc biệt, cần có các biện pháp xử lý các tình huống sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại công trình và dân cư trong khu vực; r

à soát bổ sung lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết kế cả trong trường hợp bị cô lập dài ngày. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Riêng các dự án nhà máy thủy điện đang xây dựng, chủ đầu tư cùng các nhà thầu xây dựng thống kê, kiểm soát số người tại công trường, rà soát lựa chọn các điểm, khu vực để tập kết người và thiết bị đảm bảo an toàn đối với các tình huống sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực công trường.

Bộ Công Thương yêu cầu thành lập Ban chỉ huy tại chỗ để điều hành, xử lý các tình huống, sự cố thiên tại có thể xảy ra; có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Đối với Tập đoàn Petrolimex, chỉ đạo kiểm tra các kho xăng dầu, các cửa hàng xăng dầu nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai đảm bảo an toàn cung cấp xăng dầu cho nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, nguồn lực để triển khai xử lý khi sự cố xảy ra.

Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, chỉ đạo các đơn vị thành viên nằm trong khu vực ảnh hưởng của thiên tại đảm bảo an toàn không để xảy ra hư hỏng kho tàng, rò rỉ hóa chất ra môi trường xung quanh.

Đối với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, tâp trung kiểm tra, rà soát các bãi thải, công trình trong hầm lò và mặt bằng sân công nghiệp mỏ, kho chứa, nhà xưởng, bến cảng, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất ... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn.

Chỉ đạo các đơn vị thủy điện thực hiện nội dung trong công điện này trong đó rà soát kế hoạch ứng phó sự cố , thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phù hợp với điều kiện hiện tại , sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.

 

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo ngay cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 9 để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản và công trình; chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão báo cáo về cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, tổng hợp số lượng hàng hóa dự trữ đã sử dụng; đánh giá tình hình cung ứng; dự báo nhu cầu tại các khu vực, tỉnh và gửi về Vụ Thị trường trong nước trước 15 giờ hàng ngày.

Cục Quản lý thị trường các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão báo cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại các tỉnh đang mưa lũ, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cập nhật hàng ngày gửi về Tổng cục quản lý thị trường trước 15 giờ hàng ngày.

Đặc biệt, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương khi có tình huống bất thường và định kỳ trước 16 giờ hàng ngày theo Điện thoại: 024.22218310; Fax: 024.22218321; Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn./.

Bên cạnh việc chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tập trung ứng phó với bão số 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng đã tham gia Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu để kiểm tra, làm việc tại các tỉnh miền Trung, sẵn sàng ứng phó với siêu bão./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục