Ứng phó thế nào trước tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán

13:31' - 15/05/2019
BNEWS Ngày 15/5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán”.
Đối với thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam thì tin đồn càng có khả năng có đất sống. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nhằm góp phần bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư trước những thông tin thất thiệt, ngày 15/5, Báo Điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán”.

Trong buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia đã đưa ra các giải pháp giúp tăng cường quản lý, kiểm soát tin đồn thất thiệt trong thời gian tới. Đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng khi vướng tin đồn thất thiệt.

Ông Vũ Kim Thành, Tổng biên tập Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam thông tin, gần đây trên thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện tin đồn. Có tin đồn đã thành sự thực nhưng không ít tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường.

Trao đổi về thực tế tin đồn trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thông tin là một kênh rất quan trọng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Theo ông Thọ, đối với thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam thì tin đồn càng có khả năng có "đất sống". Thông tin chưa được xác thực được truyền miệng, qua mạng xã hội, qua công nghệ gây sức lan tỏa rất lớn.

Tin đồn có thể xuất phát từ sự kiện hoặc có thể tạo ra từ một nhóm đối tượng, cá nhân với mục đích gây ra những sự bất thường trong lĩnh vực kinh tế.

Ông Thọ cho biết, tại các nước kinh tế phát triển, tin đồn thất thiết khó có đất sống, hoặc có cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, bởi các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến tin đồn sẽ có thông tin phản hồi kịp thời đến nhà đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư tổ chức chiếm số lượng lớn trên thị trường, đây là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, vì vậy họ sẽ dựa vào nhiều nguồn để xác minh thông tin.

Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, vai trò của cơ quan quản lý là giám sát các tổ chức tham gia thị trường theo Luật Kinh doanh chứng khoán, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bất thường, thông tin định kì.

Các bộ phận chức năng của các Sở giao dịch chứng khoán giám sát thực hiện đối với các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. Khi có tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, phối hợp với các công ty niêm yết công bố thông tin, tổ chức thoại, nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Cùng đó, các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lý để xác minh kiểm chứng thông tin. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật cần cũng cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán để xử lý các thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng, ông Thọ khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Thế Thọ, hành vi thao túng chứng khoán mức xử phạt thấp nhất là 500 triệu đồng, ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán phối hợp với cơ quan công an xác minh hành vi, mối liên hệ vượt ra ngoài vi phạm hành chính để có biện pháp xử lý vi phạm. Hiện nay, hành vi thao túng giá chứng khoán đã được quy định rõ trong các bộ luật.

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, xử lý tin đồn phải bằng những thông tin phản hồi và điều quan trọng là doanh nghiệp không bưng bít thông tin.

Về phía nhà đầu tư cần phải tỉnh táo trước tin đồn, đưa ra những quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, những tin đồn liên quan đến nhà đầu tư thì các cơ quan có trách nhiệm phải điều tra, xác minh, loại trừ tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục