Ứng phó với bão số 16: Sóc Trăng bảo vệ diện tích sản xuất và công trình nông nghiệp

19:31' - 25/12/2017
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã huy động lực lượng hơn 1.000 người từ các chi cục, trạm, phòng nông nghiệp để gần dân, sát cơ cở, tiếp dân ứng phó với cơn bão số 16.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết,  ngành cũng đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ diện tích sản xuất của người dân, bảo vệ các công trình ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống khoảng 105.000 ha diện tích lúa Đông Xuân 2017 – 2018, thu hoạch trên 5.000 ha. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo người dân tạm dừng gieo sạ vụ Đông Xuân trong thời gian xảy ra bão và ảnh hưởng bởi mưa bão; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái đã tới ngày thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đối với diện tích cây ăn trái, vận động, hướng dẫn người dân giằng, cột, cố gắng bảo quản những nhánh cây đang ra trái để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh Sóc Trăng còn hơn 3.500 ha tôm trên đồng và không có loại hình nuôi lồng, bè. Ngành nông nghiệp vận động người dân xem xét, chủ động thu hoạch diện tích đã vào thời kỳ thu hoạch; không xuống giống mới, chờ thông báo của lịch khung thời vụ; gia cố, nâng cao bờ bao và bao lưới kỹ lưỡng đối với diện tích tôm chưa thu hoạch.

Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo, đối với diện tích tôm chưa thu hoạch, người dân cần thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lớn có khả năng kéo dài và khả năng bị mất điện như: dự phòng máy nổ, dự phòng các sản phẩm oxy và vôi đá; quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi bằng cách dự trữ nước ao lắng; vận hành phần cống xả tràn để ổn định mức nước của ao nuôi; tăng cường xử dụng quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, tăng hàm lượng oxy và giảm độc tố của các khí độc, nhất là vào ban đêm. Kiểm soát lượng bùn đáy trong ao và quản lý cho ăn.

Đối với các công trình, ngành nông nghiệp chỉ đạo các nhà thầu chủ động bố trí đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do bão; đôn đốc các nhà thầu có phương án đảm bảo an toàn các vật tư, vật liệu, các nhà kho, sản phẩm, bán thành phẩm xây dựng và vật liệu dễ hư hỏng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao; gia cố các công cụ, thiết bị như giàn giáo thi công, máy vận thăng, cần cẩu tháp, xà lan thi công nạo vét kênh rạch… đảm bảo an toàn ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình, chú ý đảm bảo an toàn cho người lao động, an toàn về điện, thiết bị và máy thi công.

Đối với các công trình đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật, như: hệ thống cấp thoát nước, thi công nền móng công trình... nhà thầu phải có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo an toàn; nâng cấp củng cố bờ bao khu vực công trường.

Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để ứng phó, tạm ngưng các hoạt động thi công trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là các công trình nằm trong khu vực nguy hiểm như: vùng ven biển, cửa sông Mỹ Thanh, cửa sông Định An…

Ông Lương Minh Quyết cho biết thêm, tỉnh Sóc Trăng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp ứng phó với bão, nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và cố gắng duy trì sản xuất, bảo vệ tài sản cho người dân. Sau cơn bão, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân lịch thu hoạch hoặc thả giống, củng cố, cải tạo để ổn định sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục