Ứng phó với bão số 3: Nam Định cấm biển từ 6 giờ ngày 6/9

18:59' - 05/09/2024
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 6/9 đến khi có tin bão cuối cùng
Cơn bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Dự báo từ đêm 6/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định, khả năng gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển; gió mạnh và mưa lớn diện rộng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 6/9 đến khi có tin bão cuối cùng; đồng thời kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 6/9.

bãi số 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Các huyện, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng cán bộ lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Đặc biệt, rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (nhất là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, ven biển) và tại nơi tránh trú.

Các đơn vị, địa phương kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn; tăng cường chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Nam Định chỉ đạo, đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, đê sông cần tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố tại các huyện ven biển nhưng chưa được xử lý, khắc phục (như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu). Lực lượng chức năng khẩn trương gia cố các vị trí xung yếu đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang, nhất là các cống đang xây dựng như cống Chúa, huyện Giao Thủy và cống An Phú, huyện Xuân Trường; các đoạn kè đang thi công của dự án nâng cấp, gia cố một số đoạn kè xung yếu trên tuyến đê sông huyện Ý Yên.

Các đơn vị khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ; bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin về diễn biến của bão đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, cắt tỉa cành cây… để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị; khẩn trương thu hoạch cây rau màu đến kỳ thu hoạch…

Các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Các đơn vị, địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định; tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế. Các đơn vị, địa phương kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng, chống bão và phục vụ sản xuất; khẩn trương rà soát xác định các công trình xung yếu, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của mưa, bão, nhất là các cống dưới đê để chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục