Ưu tiên kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

17:33' - 29/10/2022
BNEWS Chiều 29/10, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm.

Chiều 29/10, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu về nhiệm vụ chỉ đạo điều hành thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kinh tế tiếp đà phục hồi

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, tháng 10 là thời điểm sau 1 năm Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tại phiên họp Chính phủ tháng 10, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội đất nước trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng, nổi bật.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm như: thu ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất siêu 9,4 tỷ USD và riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD.

An ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD; an ninh năng lượng được bảo đảm và cơ bản cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Sản xuất công nghiệp cũng tiếp đà phục hồi; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%; có 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ cũng giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước và trong 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so cùng kỳ và gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui.

Nhiều Tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023; trong đó, dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5 - 8,2%. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới).

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Những kết quả đạt được nêu trên là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; trong đó, có các Nghị quyết với sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội.

Cùng đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sức ép về lạm phát, điều hành tỷ giá; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ chưa thật hiệu quả.

Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành. Đó là càng khó khăn, càng có nhiều thách thức thì càng phải đoàn kết thống nhất, chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Ngoài ra, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, bám sát tình hình, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Không chuyển trạng thái đột ngột, giật cục trong chỉ đạo, điều hành; tôn trọng quy luật khách quan, quy luật thị trường là cung cầu và cạnh tranh. Bên cạnh đó, phản ứng chính sách phải hết sức kịp thời, hiệu quả; tăng cường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có cơ chế khuyến những người dám nghĩ, dám làm…

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng; hướng mạnh tín dụng vào sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu; tăng cường quản lý, kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm.

Cùng với thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đảm bảo nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các công trình hạ tầng mang tính động lực cho phát triển. Bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục