Ưu tiên phát triển hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logistics

13:37' - 11/11/2023
BNEWS Ngày 11/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức "Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai".

 Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thống nhất Lào Cai cần tiếp tục đổi mới quản lý kinh tế cửa khẩu, tập trung ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ để phát triển dịch vụ logistic mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

*Vẫn còn những "điểm nghẽn"

Lào Cai là địa phương có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược của cả nước và khu vực, được đánh giá là "cửa ngõ" và "cầu nối" quan trọng về giao thương, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc và của cả các nước ASEAN. Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đóng vai trò cửa ngõ giao thương trong cung đường vận chuyển ngắn nhất từ Côn Minh ra biển Đông (Cảng Hải Phòng) với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối.

Những năm qua, dịch vụ logistics đã khẳng định vai trò là nhân tố then chốt trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Lào Cai.

Chỉ trong hơn chục năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Lào Cai đã đổi thay nhanh chóng, từ thu không đủ bù chi, Lào Cai đã trở thành tỉnh đứng nhóm đầu trong 14 tỉnh Trung Du và miền núi phía Bắc, giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đạt 9,2%/năm; tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15,2%/năm, cao hơn mức bình quân của khu vực. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn trong thời gian qua cũng đã phát triển theo đúng định hướng, tỷ trọng hàng hóa thông quan qua khu vực cửa khẩu quốc tế tăng dần đều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nêu rõ, hạ tầng kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logictics của Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản.

Chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường còn yếu; thông tin liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp chưa cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của hai bên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: Hoạt động logistics tại Lào Cai cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung vẫn còn một số hạn chế lớn. Theo đó, hệ thống logistics, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logistics quy mô xứng tầm.

Ngoài ra, liên kết về logistics giữa các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa dễ bị tác động tiêu cực khi thị trường nước ngoài có biến động. Sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển bị kéo dài...

Theo đại điện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp do chính sách khiến hàng hóa tắc nghẽn tại các khu vực cửa khẩu. Vì vậy, việc chuẩn bị hệ thống kho bãi đảm bảo cả về quy mô (diện tích), công nghệ và hệ thống quản lý tốt, khoa học, hiện đại là yêu cầu cấp thiết.

Bởi, khi bến, bãi, kho hàng được trang bị quy mô, bài bản, tình trạng tắc nghẽn, rối loạn ít xảy ra nghiêm trọng hơn, thiệt hại đối với cả chủ xe, chủ hàng và đơn vị kinh doanh kho bãi cũng như tổng thể chi phí kinh tế của xã hội đều thấp hơn.

 
Lào Cai là địa phương có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược của cả nước và khu vực, được đánh giá là "cửa ngõ" và "cầu nối" quan trọng về giao thương. Ảnh minh hoạ: TTXVN

*Thay đổi vận hành

Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động logistics tại Lào Cai, một số trong những giải pháp bao trùm được các đại biểu thống nhất tại hội nghị đó là thay đổi việc vận hành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai để có sự đột phá, bền vững, cạnh tranh và kết nối hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Trong thời gian qua, Lào Cai đã xác định phát triển khu kinh tế cửa khẩu là một không gian kinh tế rộng lớn, có tính liên vùng đa chức năng. Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai là khu vực hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Các địa bàn Phố Mới, Vạn Hoà xây dựng Ga quốc tế đường sắt. Phường Cốc Lếu là Trung tâm Thương mại. Địa bàn Duyên Hải, Đồng Tuyển để xây dựng Khu Thương mại Kim Thành, Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải. Phường Kim Tân là Trung tâm văn hoá, thể thao. Khu vực cửa khẩu Mường Khương gắn với quy hoạch huyện lỵ Mường Khương,... Đây là tầm nhìn có tính chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại, hội nhập sâu rộng.

Theo đại điện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc đổi mới quản lý khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là tư duy định dạng lại mô hình phát triển kinh tế cửa khẩu thành mô hình khu kinh tế phát triển toàn diện. Trong đó không chỉ đẩy mạnh thông thương, phát triển dịch vụ theo chuỗi logistics mà phải phát triển khu kinh tế cửa khẩu với tầm cỡ một đô thị lớn.

Định hướng phát triển phải có đặc điểm mang tính rộng khắp, không bị giới hạn ở các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, có tính tích hợp cao với phần còn lại của nền kinh tế Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung, đảm bảo sự kết nối hài hòa giữa hoạt động kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Lào Cai cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động thương mại biên giới và logistics qua địa bàn.

Đồng thời, tỉnh cần ưu tiên ngân sách để làm "vốn mồi"; dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Theo đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics và chế biến nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.

Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, Lào Cai cần ưu tiên đầu tư tập trung cho hệ thống hạ tầng cơ sở khu vực cửa khẩu phục vụ trực tiếp cho thương mại, dịch vụ, du lịch, như: đường giao thông, điện, nước, trung tâm thương mại, chợ, kho hàng, trường học, bệnh viện, trạm y tế, đặc biệt là mở rộng, nâng cấp, đầu tư mới các trung tâm logistics.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính như ứng dụng "cửa khẩu số" tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển qua biên giới nhằm thu hút nhà đầu tư. Việc xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách một cách hoàn thiện, đồng bộ sẽ phát huy vai trò trung tâm, năng động của các khu kinh tế cửa khẩu, tạo động lực phát triển các khu vực kinh tế khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục