Vải tơ sen - thanh cao thương hiệu Việt

20:00' - 22/12/2023
BNEWS Để có được những tấm vải dung dị mộc mạc nhưng đầy chất thơ, nghệ nhân phải kiên trì, tỉ mẩn thực hiện tới 14 công đoạn.

Hàng năm, cứ vào mùa hoa sen bừng nở rộ trên các đầm sen ở các làng quê xứ Việt, nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội, lại cùng những người thân trong nhà thu gom cành sen để dệt vải. Những thước vải tơ sen mềm xốp, có sắc màu trung tính, nền nã và thuần khiết, như dáng vẻ nhẫn nại, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành thương hiệu của ngôi làng có truyền thống tằm tang này.

Với 60 năm kinh nghiệm trong nghề dệt lụa, bà Thuận là nghệ nhân duy nhất ở Việt Nam dệt nên những thước lụa từ tơ sen. Nghệ nhân tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại làng nghề Phùng Xá huyện Mỹ Đức. Ở quê hương chúng tôi, từ gia đình ông bà cha mẹ  đến hàng xóm trong làng đều là những người theo nghề tầm tang.  Đó là tài sản ông bà để lại, cho đến nay tôi đã gắn bó gần như cả cuộc đời tôi với nghề trồng dâu nuôi tằm”.

“Làng tôi có nghề trồng dâu nuôi tằm lâu năm, nhưng khi nói đến lụa tơ tằm thì đa số mọi người chỉ biết đến làng Vạn Phúc, Hà Đông. Vì thế, tôi muốn Phùng Xã Mỹ Đức sẽ có tên riêng trong nghề canh cửi. Từ đó tôi đau đáu , trăn trở với nghề và mong muốn là tạo nên những sản phẩm độc đáo, khác biệt, không nơi nào có”.

Với ý tưởng lưu giữ vẻ đẹp dung dị mà thanh cao của cây sen lâu dài, bà đã kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm và thành công trong việc sáng tạo ra quy trình thu hoạch sợ tơ sen và dệt vải tơ sen. Những tấm vải dệt từ tơ sen mang trong mình hương thơm thoang thoảng, độ đàn hồi cao, nhanh khô, mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái cho người sử dụng.

 “Mới đầu không ai tin tôi có thể lấy được tơ sen và dệt vải từ những sợi tơ quá đỗi mỏng manh ấy. Tôi đã phải trải qua rất nhiều thất bại, nhưng tính tôi đã làm là không chịu dừng bước bao giờ”, bà Thuận chia sẻ.

Sản xuất vải tơ sen không phải là một quy trình sản xuất thông thường mà là một quá trình sáng tạo đầy khó khăn. Để có được những tấm vải dung dị mộc mạc nhưng đầy chất thơ, nghệ nhân phải kiên trì, tỉ mẩn thực hiện tới 14 công đoạn. Thân cây sen được thu hoạch sẽ được làm sạch và xử lý trong thời gian ngắn nhất để lấy được nhiều tơ hơn, đảm bảo tơ có màu sáng và có độ mềm mại nhất. Nếu để qua ngày, thân cây sẽ bị khô và không thể rút được tơ sen nữa.

Công đoạn khó khăn nhất là rút tơ từ thân sen. Không giống như tơ tằm, sợi tơ được hình thành một cách tự nhiên theo tiến trình phát triển của con tằm. Để có được tơ sen, người thợ phải cầm từng bó thân sen, khía nhẹ thân sen rồi tự tay rút sợi từ thân cây sen, vừa cảm nhận, vừa nhẹ nhàng kéo tơ và vê tròn để các sợi tơ mảnh kết lại với nhau. Những sợi tơ mỏng manh dần hiện ra nhờ sự tinh tế và đôi tay khéo léo của người thợ.

Để có đủ tơ dệt chiếc khăn rộng 25 cm, dài 1m75-1m8, nghệ nhân cần khoảng 4800 cuống hoa sen. Trong khi đó, mỗi ngày, một người thợ khéo chỉ có thể xử lý được khoảng 200 đến 250 cuống sen. Như vậy, các nghệ nhân phải cần mẫn trong suốt gần một tháng mới có thể rút đủ sợi tơ và dệt nên chiếc khăn. 

Chính vì sự cầu kỳ, tinh tế trong sản xuất mà lụa tơ sen mang giá trị cao. Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết bà chỉ có thể sản xuất với số lượng vừa phải, cho những khách hàng đặt hàng từ trước. Sản phẩm lụa tơ sen của bà đã hiện diện ở nhiều nước như Nhật, Pháp, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Italy, Đài Loan (Trung Quốc). Có những vị khách nước ngoài đã đặt bà làm chiếc gối kết hôn từ lụa tơ sen. “Tôi sẽ sáng tạo nhiều sản phẩm đa dạng hơn nữa, và mong muốn những sản phẩm của mình sẽ được nâng niu, vì vải tơ sen thật sự cần sự thưởng ngoạn tinh tế và trân trọng”, nghệ nhân tâm sự.

Để tăng cường giao lưu và quảng bá cho danh tiếng của làng nghề cũng như các sản phẩm độc đáo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận thường xuyên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hội chợ sáng tạo OCOP,… Bà cho biết: “Tháng 11 vừa qua, tôi tham gia sự kiện Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023, với Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là một cơ hội tốt để tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội”.

Bà cũng không quản ngại dạy dỗ, truyền nghề cho lớp trẻ. Nghệ nhân mong muốn có thể xây dựng hệ thống của hàng giới thiệu sản phẩm để bán hàng, lập nhà xưởng dạy nghề cho các thế hệ mai sau, đồng thời có đội ngũ thiết kế của riêng mình để sản phẩm ngày càng ấn tượng và hợp thị hiếu của khách hàng trong và người nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục