Vấn đề Brexit: Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của London trở nên lung lay

12:54' - 27/07/2016
BNEWS Việc đa số cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thể khiến London đối diện nguy cơ mất vị thế trung tâm tài chính hàng đầu châu lục này.
Vấn đề Brexit: Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của London trở nên lung lay. Ảnh: reuters

Trên hầu hết mọi phương diện, London (Anh) cạnh tranh với New York (Mỹ) như một trung tâm tài chính toàn cầu thực sự.

Tuy nhiên, việc đa số cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thể khiến thành phố này đối diện nguy cơ mất vị thế trung tâm tài chính hàng đầu châu lục này.

Cụ thể, với việc rời EU, nước Anh sẽ mất đi quyền kinh doanh các dịch vụ được miễn thuế trên toàn khối, cũng như mất đi sự tiếp cận với thị trường chung gồm 500 triệu dân trong khi một số ngân hàng có thể “rời Xứ sương mù” để chuyển hoạt động sang các nước EU khác.

Trước tình hình trên, các thành phố lớn khác trong EU đang nhắm tới việc soán ngôi Trung tâm tài chính hàng đầu của London.

Cùng với Frankfurt của Đức, Paris cũng nằm trong những thành phố cạnh tranh tốt nhất cho vị trí này.

Chính phủ Pháp gần đây cho biết sẽ "trải thảm đỏ" cho các công ty rời Anh hậu Brexit và hứa hẹn sẽ có những ưu đãi thuế dành cho người nước ngoài ở Pháp tốt nhất châu Âu.

London cũng là trung tâm công nghệ của châu Âu với hơn 3.000 công ty khởi nghiệp có trụ sở tại đây và rất nhiều trong số đó đang hoạt động quanh khu vực được coi là “Thung lũng Silicon” của Anh.

Tuy nhiên, vị trí này hiện đã được đưa vào "tầm ngắm" của Berlin - thủ đô hiện là thành phố công nghệ lớn thứ 2 của châu Âu và có giá nhà đất rẻ hơn London.

Ông Lukas Kampfmann, Giám đốc tiếp thị của Factory Berlin, một trung tâm của những công ty khởi nghiệp về công nghệ ở thủ đô của Đức, nhận định với quyết định Brexit, London đã hầu như tự loại mình ra khỏi cuộc đua.

Ông tin rằng qua thời gian sự thắng thế của Berlin sẽ lớn dần lên và sẽ có nhiều hơn các công ty khởi nghiệp tới thành phố này.

Trong khi đó, trong một bài viết gần đây, thời báo New York Times của Mỹ đã đánh giá Amsterdam (Hà Lan) là ứng cử viên số một trong cuộc đua giành “vương miện” của London nhờ có những kết nối toàn cầu, cũng như có sự hấp dẫn đối với người nước ngoài và việc đa phần dân số nói tiếng Anh.

Tuy nhiên, ông David Slater, Giám đốc phụ trách mảng phát triển kinh doanh quốc tế của công ty London & Partners, vẫn bảo vệ quan điểm London vẫn sẽ là số 1 vì những người làm kinh doanh và có chuyên môn vẫn sẽ muốn tiếp tục ở lại đây khi chính phủ Anh và chính quyền London sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để giữ chân họ.

Không chỉ là điểm giao dịch tài chính lớn nhất giữa châu Á và Mỹ, London còn là “đại bản doanh” của nhiều hãng luật, kiểm toán, nhiều nhãn hàng sang trọng cùng các trung tâm mua sắm đẳng cấp, các tổ chức đào tạo uy tín và nền văn hóa phục hưng lớn bậc nhất châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục