Vân Từ - Làng nghề duy nhất cả nước có nghề may comple

14:21' - 15/09/2018
BNEWS Xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay

Những năm gần đây nghề may phát triển đã giúp cho bà con ở xã Vân Từ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm, thậm chí có nhiều gia đình thu nhập lên tới hàng tỷ đồng. Để có được thành công từ nghề may này theo bà con xã Vân Từ đó là nhờ chất lượng, giá cả là những yếu tố quan trọng giúp làng nghề ngày càng phát triển.

Vân Từ là một xã rộng của huyện Phú Xuyên, trong xã có tất cả 10 thôn; trong đó, có hai thôn chủ lực làm nghề may comple, veston đó là thôn Từ Thuận và thôn Chung, những thôn khác trong xã cũng có nghề nhưng thường là làm thuê cho các cửa hàng lớn.

Hiện nay, xã có khoảng 1.500 hộ, có khoảng 70-80% làm nghề, đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân Vân Từ.

Điều đặc biệt ở chỗ, may comple, veston vừa là công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất comple, veston. Thu nhập bình quân của người dân làm nghề may comple, vecton này từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết, huyện Phú Xuyên cũng đã chỉ đạo xã xây dựng cụm công nghiệp làng nghề nhằm hướng đến sản xuất tập chung và chuyên nghiệp hóa mà đây còn là hướng đi để phát triển du lịch làng nghề.

Hiện nay, nghề may phát triển trong đó năm 2017 làng nghề phát triển nhất do được sự ủng hộ của thời tiết. Nhiều gia đình nhờ có nghề này mà đã mang về thu nhập tiền tỷ, và con số 500 - 700 triệu đồng cũng không hiếm.

Theo ông Đào Ngọc Hùng, Công ty TNHH Hùng Luyến (một trong những hộ sản xuất và buôn bán comple thôn Từ Thuận), Công ty có khoảng 40 – 50 lao động, chưa kể lao động vệ tinh. Hiện nay, sản phẩm làng nghề chủ yếu bán tại thị trường trong nước và tiềm năng ngày càng rộng mở.

Ông Hùng cho hay, trước kia, mỗi hộ chỉ sản xuất khoảng 300 - 400 bộ/năm thì nay con số đang tăng lên hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bộ.

Như gia đình ông Hùng, trong năm 2017 sản xuất ra 20.000 bộ. “Do thị trường phát triển, sắp tới, tôi chuẩn bị xây dựng thêm một xưởng sản xuất nữa, đây là xưởng sản xuất thứ 3 của gia đình tôi”, ông Hùng chia sẻ.

Để làm nên thương hiệu cũng như giữ được thương hiệu, comple veston Vân Từ đó là vải có tới 4 lớp gồm vải, mùng, lót, bong làm cho sản phẩm dầy hơn, bền hơn không bị nhàu và phai màu khác hẳn với các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp hiện nay. Do là may thủ công và theo sát mọi quá trình sản xuất nên comple, veston Vân Từ không bị mắc những lỗi nhỏ như dư chỉ thừa, đường chỉ chạy lệch hay các túi may không đều giống như may công nghiệp.

Một lợi thế nữa của comple veston Vân Từ đó là trong 1 thập kỷ trở lại đây các hộ sản xuất tại làng nghề đã biết mang sản phẩm đến các tỉnh thành trong cả nước để quảng bá và được người tiêu dùng trong nước chấp nhận do sản phẩm có tính thời trang, sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý và đã đẩy lùi được sản phẩm Trung Quốc tràn sang.

Bên cạnh những thuận lợi, làng nghề may cũng gặp những khó khăn nhất định như thiếu hệ thống hạ tầng thương mại giao thông, cụm công nghiệp làng nghề và các chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu…

Liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho hay: Xã đã đề nghị với huyện nhiều năm nay, và trong kế hoạch năm 2018 đã được Hội đồng nhân dân huyện Phú Xuyên thông qua cuối năm 2017 thì dự kiến trong năm 2018 sẽ triển khai mở rộng và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến nguồn vốn đầu tư khoảng 40 tỷ.

Đối với việc xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, ông Nguyễn Ngọc Dương cho hay, huyện cũng đã có chỉ đạo xã xây dựng cụm công nghiệp làng nghề trên cơ sở các hộ sản xuất tại xã phải đăng ký được trên 60% diện tích quy hoạch (do việc phát triển cụm công nghiệp liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng).

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đạt được đủ con số đăng ký 60%, đa số các hộ làm tại nhà và giao cho các hộ vệ tinh mang hàng về làm gia công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dương vẫn khẳng định, việc phát triển cụm công nghiệp làng nghề là rất cần thiết vì không chỉ liên quan đến việc mở rộng mặt bằng sản xuất, hướng đến sản xuất tập chung và chuyên nghiệp hóa mà đây còn là hướng đi để phát triển du lịch làng nghề.

Do đó, xã vẫn đang tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận về mục đích của việc thu hồi đất là giúp cho làng nghề phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm, đầu tư được máy móc dây truyền hiện đại, giảm chi phí lao động, giảm ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, đây sẽ là điều kiện cần thiết để địa phương phát triển bền vững các làng nghề truyền thống; thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm góp phần hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, kết hợp với yếu tố văn hóa vùng miền, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục