Về thăm xã anh hùng được giải phóng đầu tiên ở Đồng Tháp

12:51' - 29/04/2024
BNEWS Trong chiến tranh, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) là xã hoàn toàn giải phóng đầu tiên ở tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) và đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.

Sau gần 50 năm đất nước hòa bình, xã Thanh Mỹ có sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội... và là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của Đồng Tháp.

Xã giải phóng sớm nhất ở Đồng Tháp

Một ngày gần cuối tháng Tư, chúng tôi về thăm xã anh hùng Thanh Mỹ, có dịp nghe một số nhân chứng lịch sử kể về quá khứ hào hùng năm xưa của quân và dân Thanh Mỹ. Ngồi nhâm nhi ly trà, cựu chiến binh Lê Văn Rô (sinh năm 1943) ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ nhớ lại, thời kháng chiến, ông tham gia du kích địa phương, phụ trách việc gài mìn, lựu đạn để tiêu diệt quân địch.

Dù đồn địch dày đặc nhưng người dân hết lòng bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ ta. Bà con cùng nhau đào chiến hào, dựng rào chiến đấu, vót chông, cắm chông... để ngăn chặn địch càn quét đánh phá. Vì vậy có thể nói Thanh Mỹ là căn cứ kháng chiến - căn cứ lòng dân vững chắc.

 

Tổ sản xuất vũ khí của xã Thanh Mỹ đã biến bom, pháo lép của địch thành những trái gài, mìn tự chế, không những đủ cung cấp cho dân quân, du kích xã mà còn đáp ứng yêu cầu của huyện và tỉnh. Nhiều nông dân, thanh niên, trí thức của xã Thanh Mỹ dũng cảm tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. 

Theo lãnh đạo xã Thanh Mỹ, quân và dân Thanh Mỹ có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng chống giặc ngoại xâm và đạt những kết quả đáng tự hào. Nổi bật là tham gia đánh và giành thắng lợi trận 37 tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng; chống lấn chiếm Kênh Ba Mỹ Điền; dùng vũ khí thô sơ và tái chế, sáng chế vũ khí đánh địch hiệu quả; đánh đồn Vinh Huê...

Theo quyển sách “Thanh Mỹ đau thương và anh hùng” của tác giả Nguyễn Văn Long (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp), đêm 24 rạng sáng ngày 25/12/1959, một phân đội của Tiểu đoàn 502 phối hợp cùng lực lượng nội ứng của ta diệt gọn đồn Vinh Huê đóng tại Ngã Tư Thanh Mỹ. Cùng lúc đó, quần chúng nổi dậy, kéo nhau đi biểu tình, lùng bắt bọn tề ấp, mật báo ở xóm...

Với sự kết hợp khá tốt, ăn khớp của 3 mũi giáp công gồm: quân sự, chính trị, binh vận phối hợp tấn công và nổi dậy, xã Thanh Mỹ được hoàn toàn giải phóng vào ngày 25/12/1959 - giải phóng sớm nhất tỉnh Kiến Phong. Bằng cách giữ thế hợp pháp với địch, đấu tranh chính trị kết hợp binh vận và làm du kích chiến tranh, nhân dân Thanh Mỹ bẻ gãy mưu đồ tái chiếm của địch.

 

Ông Nguyễn Văn Hải (gần 80 tuổi) là một trong những người sống “cố cựu” ở ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ cho biết, sau khi đánh chiếm được đồn Vinh Huê, diệt những tên ác ôn, phá rã tề (tề là một tổ chức điều hành tại cấp xã), Thanh Mỹ trở thành vùng giải phóng. Nơi đây là căn cứ địa, nơi trú đóng của Tỉnh ủy, các ban, ngành của tỉnh Kiến Phong và lực lượng vũ trang. Người dân Thanh Mỹ một lòng theo cách mạng, bám trụ quê hương, cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Việc nổi dậy và tấn công của nhân dân Thanh Mỹ mở màn cho phong trào Đồng Khởi giải phóng nông thôn ở tỉnh Kiến Phong và khu Trung Nam Bộ. Đồng thời, góp phần hình thành phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công” (hai chân đấu tranh chính trị - vũ trang; ba mũi giáp công chính trị - vũ trang - binh vận) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xã Thanh Mỹ cùng ấp Hưng Lợi của xã này và 3 người con của quê hương Thanh Mỹ là các ông: Nguyễn Văn Tre, Cao Văn Đạt, Nguyễn Văn Vóc vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống anh hùng

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Mỹ nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi đến thăm Thanh Mỹ trên con đường được trải nhựa rộng rãi. Ven đường là những khóm hoa khoe sắc, hàng rào kiên cố và cây xanh được cắt tỉa gọn gàng. Nhiều ngôi nhà khang trang nằm ẩn hiện trong những vườn cây ăn quả xanh tốt.

Ông Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1948) ở ấp Lợi An, xã Thanh Mỹ phấn khởi cho biết, lúc trước, xã Thanh Mỹ bị chiến tranh tàn phá rất nhiều, đất đai bị bom “cày xới”; đời sống người dân nghèo khó. Đất nước hòa bình, ông Hải không ngờ quê hương có sự chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay. “Từ một xã vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, đến nay hệ thống cầu, đường trong xã được xây dựng khá hoàn chỉnh, lưu thông rất thuận lợi” - ông Hải đánh giá.

Ông Lương Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết, phát huy truyền thống xã anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Mỹ đã và đang nỗ lực cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Để thực hiện điều đó, thời gian qua, xã tập trung 2 giải pháp trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và thương mại; tập trung chuyển đổi cây trồng để nâng cao lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích canh tác, trong đó, lấy cây ăn quả là loại cây đột phá. Đến nay, trong số hơn 3.500 ha đất sản xuất của xã thì mít, chanh, sầu riêng…chiếm trên 1.300 ha.

Ông Lương Văn Út bày tỏ vui mừng khi quê hương Thanh Mỹ đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khang trang; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn ngày hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày nâng lên; thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Mỹ luôn nằm trong tốp đầu của huyện Tháp Mười, đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm. Địa phương quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện nên đa số diện tích đất nông nghiệp sản xuất 3 vụ/năm. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ hộ nghèo... được địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, hộ nghèo của xã giảm còn dưới 1%; gần 100% hộ dân sử dụng điện và nước sạch.

Đặc biệt, diện mạo xã anh hùng Thanh Mỹ có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay. Trong chiến tranh, người dân Thanh Mỹ anh dũng, chiến đấu kiên cường. Ngày nay, bà con tiếp tục tích cực trên mặt trận xây dựng và phát triển quê hương. Người dân Thanh Mỹ đóng góp tiền, công lao động, hiến đất và vật kiến trúc... trị giá hàng trăm tỷ đồng để thực hiện nhiều công trình thiết yếu ở địa phương, chủ yếu là cầu bê tông, đường giao thông và đèn đường.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho hay, năm 2014, Thanh Mỹ là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được công nhận xã nông thôn mới. Đến năm 2021, Thanh Mỹ tiếp tục là một trong những xã đầu tiên ở tỉnh đạt xã nông thôn mới nâng cao. Đây là kết quả tích cực từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, góp sức của người dân địa phương; là minh chứng rõ nét về sự phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân xã Thanh Mỹ nói riêng và của huyện Tháp Mười nói chung.

Sau gần 50 năm, những vết tích chiến tranh đã dần xóa nhòa trên quê hương Thanh Mỹ. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thanh Mỹ vượt qua những khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ký ức về một thời chiến đấu hào hùng, anh dũng sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Thanh Mỹ và đó cũng là động lực để bà con cố gắng tham gia phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục