Vì sao giải ngân vốn đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi chậm?

10:08' - 17/10/2023
BNEWS Giải ngân chậm, vướng thủ tục, vốn đầu tư nhỏ lẻ khiến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 ở Phú Thọ gặp khó khăn.

* Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư

Nhờ nỗ lực giải ngân vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã triển xây dựng được hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, y tế phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi. Các dự án được thực hiện bước đầu góp phần tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo báo cáo UBND tỉnh, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đạt 40%. Đến nay, đã có 204 công trình trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ đầu tư, trong đó 123 công trình giao thông; 8 công trình thủy lợi; 26 công trình trường học; 4 công trình y tế. Việc triển khai hỗ trợ đầu tư đều đảm bảo đúng dự án, trúng đối tượng thụ hưởng.

 

Theo ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn đã tập trung đầu tư chủ yếu vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân các dự án.

Cụ thể, ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương còn chậm; mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ. Bên cạnh đó, việc triển khai, ban hành các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp một số nội dung chưa đồng bộ, nhiều nội dung chưa rõ ràng, cần chờ các thông tư, nghị định sửa đổi… Khả năng huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn; việc lồng ghép các nguồn lực tuy đạt khá nhưng vẫn còn phân tán, hiệu quả chưa cao.

* Tập trung hoàn thành mục tiêu Quốc gia

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu, nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 2%/năm; phấn đấu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tỉnh phấn đấu 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số, người kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề…

Để đạt mục tiêu trên, dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trên 3.461 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn, tỉnh sẽ triển khai 10 dự án thành phần gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Hồ Đại Dũng, tỉnh Phú Thọ đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, tỉnh tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các dự án của Chương trình; kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn gắn với kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình.

Phú Thọ đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút, vận động đồng bào các dân tộc tham gia vào các quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Cùng với đó, tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình; phát huy vai trò của Ban Giám sát cộng đồng, của người dân trong quá trình triển khai thực hiện; công khai, minh bạch về kế hoạch, nội dung đầu tư, hỗ trợ và nguồn vốn để người dân được biết và theo dõi, kiểm tra, giám sát theo quy định.

Tỉnh Phú Thọ kiến nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu với Chính phủ thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Chương trình. Các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn (một số dự án, tiểu dự án chưa có văn bản hướng dẫn), để các địa phương có cơ sở triển khai…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục