Vì sao khai thác trái phép khoáng sản tại núi Hòn Rồng vẫn tiếp diễn?

09:19' - 25/10/2018
BNEWS Núi Hòn Rồng thuộc địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa).

Trong mấy năm gần đây, ở phía thuộc thành phố Cam Ranh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng công trình Tân Cảng (thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn) đã khai thác khoáng sản là đất, đá để làm vật liệu xây dựng các công trình quốc phòng.

Qua hoạt động khảo sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, Công ty vẫn đang tiếp tục khai thác với lý do là phục vụ cho mục đích quốc phòng.

Còn khu vực thuộc địa bàn huyện Cam Lâm cũng đang có một số đơn vị khai thác đất, đá để phục vụ việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 trước đây, mặc dù giấy phép khai thác của các đơn vị này đã hết hạn từ năm 2016; đồng thời, mặt bằng khai thác lâu nay không được cải tạo khôi phục môi trường.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa Võ Tấn Thái cho biết: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng công trình Tân Cảng được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép thăm dò khoáng sản vào năm 2013, sau đó phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Hòn Rồng (trữ lượng phê duyệt trên 884 nghìn m3 đất san lấp và hơn 3,2 triệu m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường). Mặc dù chưa đủ thủ tục, đơn vị này vẫn tiến hành khai thác đất, đá trong nhiều năm qua.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã hai lần gửi công văn (tháng 1/2016 và tháng 9/2018) yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng công trình Tân Cảng chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá tại mỏ Hòn Rồng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác theo quy định; đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty này tại công văn số 201/CV-TCSM, ngày 12/9/2018, do mỏ đá Hòn Rồng thuộc đất quốc phòng sử dụng để khai thác vật liệu xây dựng, cung cấp cho các công trình quốc phòng tại thành phố Cam Ranh và huyện Trường Sa, nên việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền lớn ngoài khả năng của đơn vị. Đơn vị đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, đề nghị Quân chủng Hải quân yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng công trình Tân Cảng thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

Đối với việc khai thác khoáng sản nói chung của các địa phương nhằm đáp ứng kịp tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 trong những năm 2014- 2015, UBND tỉnh đã cho phép UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt các phương án cải tạo đất, thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp Quôc lộ 1 trên địa bàn tỉnh, cho đến khi hoàn thành dự án.

Sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2015 và đưa vào sử dụng năm 2016, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thu hồi toàn bộ các quyết định cho phép cải tạo đất, thu hồi khoáng sản phục vụ dự án. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải dừng mọi hoạt động cải tạo đất và phải phục hồi môi trường trước ngày 30/4/2016, trong đó có việc khai thác đất đá tại núi Hòn Rồng trên địa bàn huyện Cam Lâm.

Liên quan đến chủ trương trên, sau khi tiến hành giám sát, kiểm tra, tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa đã có công văn báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh yêu cầu các Chi cục thuế phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, truy thu các nghĩa vụ tài chính còn nợ đọng (nếu có) trong quý III/2018.

Riêng huyện Cam Lâm, Sở này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân chưa tiến hành hoàn thành xong công tác phục hồi môi trường khẩn trương hoàn thành trong quý III/2018.

Theo đó, UBND tỉnh đã có công văn số 8025/UBND-KT ngày 7/8/2018 chỉ đạo huyện Cam Lâm rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện việc phục hồi môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác, hoàn thành trước ngày 31/10/2018.

Quá thời hạn này, nếu còn trường hợp chưa hoàn thành mà không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã lần lượt ban hành nhiều quyết định về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh...

Theo các văn bản này, UBND cấp huyện, cấp xã nếu để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương, phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Còn theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 17 của Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản, thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Đã có chế tài xử lý, liệu chính quyền huyện Cam Lâm có tiếp tục bàng quan để tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại núi Hòn Rồng tiếp diễn?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục